Tương lai thời đại công nghệ 4.0, trong đó có blockchain và tiền kỹ thuật số (tiền ảo), là một trong những chủ đề chính tại hội thảo “Sắc màu chứng khoán” do Câu lạc bộ Chứng khoán (SIC) và Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức chiều 16/1.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng với 4.0. Ông dẫn chứng, hiện nay, mỗi người dân có trung bình hơn 1 điện thoại di động, trong đó 84% dùng smartphone; 64% người trưởng thành sử dụng các mạng xã hội; 52% dân số dùng Internet..., đó là nền tảng cơ bản để đất nước tự tin tham gia vào cuộc chơi.
Trên thế giới, blockchain đang dần được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt với ngành tài chính, ứng dụng công nghệ này được nhìn nhận sẽ trở thành xu hướng.
Ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán trong xu thế 4.0 sẽ giúp tiết giảm chi phí cho người rút tiền, thanh toán giao dịch, giảm tối đa chi phí cơ sở vật chất cho ngân hàng, các sản phẩm dịch vụ tài chính thay đổi như các loại thẻ sẽ biến mất, thay vào đó là ví điện tử trên smartphone…
Nhiều nước đã tận dụng nền tảng blockchain để giao dịch chứng khoán, do tính an toàn cao, chi phí thấp, bởi không phải qua trung gian.
Tuy nhiên, theo ông Lực, nền giáo dục đào tạo đại học của Việt Nam chưa đưa vào giảng dạy các chuyên ngành ứng dụng công nghệ hỗ trợ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… Trong khi đó, làn sóng blockchain đang tràn vào Việt Nam, hệ thống ngân hàng cũng đã có các động thái kết nối với nhau để có thể giao dịch trên nền tảng này. Thực tế, nền tảng blockchain hiện được khuyến khích phát triển do sự tiện lợi, tính an toàn và chi phí gần như bằng không.
Vẫn theo ông Lực, tiền kỹ thuật số là một câu chuyện khác, nó đơn thuần là một sản phẩm được tạo ra trên nền tảng blockchain. Sự nhầm lẫn giữa tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain cần phải được loại bỏ.
Về việc có nên đầu tư vào những đồng tiền kỹ thuật số hay không, ông Lực khuyến nghị: “Phải hết sức thận trọng và tỉnh táo”. Tâm lý “bầy đàn” có thể khiến khoản đầu tư “không cánh mà bay” do có thể bị đánh cắp bất cứ lúc nào bởi các hacker, vì các phương thức cất giữ ví điện tử (dùng để chứa tiền kỹ thuật số) vẫn chưa có một cách nào đạt hiệu quả tối đa, an toàn tối đa.
Bên cạnh đó, giá của các đồng tiền ảo lên xuống thất thường, các yếu tố gây ra biến động không thể chỉ ra và kiểm soát. Ví dụ, đồng bitcoin trong 1 tháng gần đây giảm giá mạnh, mất một nửa giá trị, từ 22.000 USD xuống 11.000 USD. Đây là cuộc chơi rất phiêu lưu và rủi ro, được mất chỉ trong nháy mắt.
Do đó, điều các nhà đầu tư cần phải nắm rõ số 1 là lựa chọn đồng tiền nào và thông qua trung gian nào để mua bán, bởi nhiều ngân hàng tại Việt Nam hiện nay không chấp nhận thanh toán, giao dịch bằng tiền kỹ thuật số. Điều quan trọng nhất, tiền kỹ thuật số không phải là tiền tệ, do nó không đáp ứng được 3 chức năng của tiền tệ là phương tiện trao đổi, thước đo giá trị và cất trữ giá trị.
Sự kiện thu hút hàng trăm sinh viên - các nhà đầu tư tương lai tham dự, với thông điệp chính được các chuyên gia chia sẻ là “blockchain là xu thế tất yếu, nhưng bitcoin thì phải cẩn trọng".
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/1/2018, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng.
Đồng thời, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.