Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Blockchain: Cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Blockchain đã và đang dần trở thành cột trụ cho công nghệ ở Việt Nam với nhiều ứng dụng khá hấp dẫn như nền tảng lưu trữ văn bằng trong lĩnh vực đào tạo; thư tín dụng, bảo lãnh hợp đồng, thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng…

7 xu hướng ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính – ngân hàng

Tại Hội thảo “Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính ngân hàng” diễn ra ngày 26/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, 2021 được xem là một năm thảm họa cho nền kinh tế thế giới khi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng đây lại là năm bùng nổ của lĩnh vực Blockchain.

Blockchain nổi lên như một hiện tượng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới năm 2021. Trong năm qua, các chỉ số Blockchain trên thế giới đều tăng trưởng mạnh. Theo CB Insights, lượng tiền tài trợ cho lĩnh vực này cũng tăng gấp 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cụ thể hơn về ứng dụng Blockchain trong ngành tài chính - ngân hàng, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chia sẻ 7 xu hướng chính.

Xu hướng thứ nhất, duy trì trách nhiệm giải trình thông qua việc tự động giám sát tài liệu. Bao gồm các câu lệnh if-then được mã hóa trên sổ cái blockchain. Khi các điều kiện trong hợp đồng được đáp ứng thì thuật toán sẽ tự thực hiện kết quả được chỉ định. Lợi ích của hợp đồng thông minh là tính minh bạch, mang đến hiệu quả cao, giảm chi phí và quá trình trung gian.

Xu hướng hai, quy trình phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO) tương tự như quy trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng chưa được pháp luật quy định. Được biết, ICO đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 do nhóm đằng sau tiền mã hóa Mastercoin tiến hành. Sau đó, bong bóng ICO năm 2017- 2018 xảy ra khiến chính phủ trên thế giới phải quản lý chặt chẽ hơn. ICO cũng đang trở thành phương tiện cho vốn tổ chức, đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân.

“Các ngân hàng thương mại và đầu tư có thể tham gia vào các ICO với tư cách là đơn vị bảo lãnh và trung gian, như cách họ đang làm với các IPO”, ông Trung cho biết.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Xu hướng ba, token hóa các công cụ tài chính và tài sản vật chất là một xu hướng mới nổi trong thế giới DLT. Tính linh hoạt của blockchain cho phép chủ sở hữu theo dõi hoạt động của các token. Token được thế chấp bằng tài sản liên kết với một nguồn giá trị riêng biệt. Các token loại này bao gồm: token chứng khoán, token bất động sản, stablecoin, token tiện ích.

Xu hướng bốn, token không thể thay thế (NFT) là token đại diện cho một thực thể duy nhất, không thể thay thế, như tác phẩm nghệ thuật, danh tính số... Giá trị của NFT phản ánh giá trị của tài sản được liên kết với nó, nhưng tài sản đó không nhất thiết phải bao gồm bản thân tác phẩm nghệ thuật. Thực tế, NFT đã tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ và nhà sưu tập, mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng trên toàn cầu.

Xu hướng năm, trên 80% ngân hàng trên thế giới đều nghiên cứu tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC). Ngoài Nigeria và Bahamas, chưa có ngân hàng nào công bố CBDC mà hầu hết đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ví dụ, Ngân hàng Thụy Điển đang phát triển e-krona, Ngân hàng Trung Quốc thí điểm e-CNY.

Xu hướng sáu, các sản phẩm tài chính phi tập trung (DeFi) có nhiều loại nhưng tất cả đều chia sẻ một tính năng chung: chúng giúp chuyển đổi các sản phẩm tài chính truyền thống thành những biến thể mới không yêu cầu trung gian, như cho phép giao dịch P2P, dùng smart contract để giám sát hoạt động và đảm bảo tính toàn vẹn của các giao dịch. Gần như tất cả các dự án DeFi đều được xây dựng trên Ethereum.

Xu hướng bảy, Robo-advisor và các ứng dụng tự động sử dụng các thuật toán hoặc AI để theo dõi hoạt động tiền mã hóa, phát hiện các tín hiệu cho thấy cơ hội tốt để mua hoặc bán và thông tin đến cho nhà đầu tư, giúp quản lý danh mục đầu tư cũng như giao dịch theo chương trình. Hầu hết các robo-advisor hiện tại được phát triển ở Mỹ hoặc Trung Quốc và vẫn chưa rõ hệ thống hoặc công ty nào sẽ dẫn đầu thị trường.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Hướng đi nào cho Ngân hàng Việt

Theo ông Phan Đức Trung, các ngân hàng Việt nên ứng dụng các lợi thế của blockchain với các bài toán thúc đẩy hệ sinh thái Fintech tạo ra một hệ sinh thái bao quanh lõi ngân hàng.

Bên cạnh đó, cắt giảm các chi phí quản trị trung gian nội bộ ngân hàng dưới góc nhìn ứng dụng blockchain thông qua cơ chế đồng thuận/phê duyệt giao dịch. Đồng thời, xây dựng mô hình ngân hàng lấy dịch vụ truyền thống làm trung tâm nhưng chia sẻ đa nền tảng dịch vụ khác với doanh nghiệp dựa trên cấu trúc Enterprise Blockchain.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin NHNN, ông Vũ Công Hùng cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng, khuyến khích cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, tại một số diễn đàn vấn đề thiếu cơ sở pháp lý đã được nêu ra như là một trở ngại chính cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain. Mặc dù vậy, có rất ít ý kiến nêu được cụ thể trở ngại pháp lý đối với ứng dụng công nghệ Blockchain là gì và sửa đổi thế nào để tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

Phần lớn các ý tưởng ứng dụng công nghệ Blockchain đang tập trung vào các lĩnh vực tài sản số, tiền số, huy động vốn. Đây là các lĩnh vực có rủi ro rất cao vì vậy cần xây dựng cơ chế Sandbox để thử nghiệm.

Về khía cạnh này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, đề xuất, triển khai, nhưng do có độ rủi ro cao, các cơ quan này đều đang tiến hành rất thận trọng.

Ngoài lĩnh vực nói trên, thực tế, một số ứng dụng Blockchain tại Việt Nam đã được triển khai mà chưa đòi hỏi phải có thay đổi lớn về quy định pháp lý như các ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng giao dịch thư tín dụng (LC), bệnh án điện tử, hóa đơn điện tử.

“Blockchain là một công nghệ chung khi áp dụng vào mỗi lĩnh vực cụ thể sẽ có thể có các vướng mắc riêng về quy định, pháp lý ứng với từng lĩnh vực. Vì vậy, khó có giải pháp chung hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ Blockchain mà cần có các ý tưởng, đề xuất cụ thể cho từng lĩnh vực riêng biệt”, ông Vũ Công Hùng nói.

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Hiệp hội Ngân hàng và Hiệp hội Blockchain Việt Nam

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, với những tác động mang tính cách mạng lên nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, có thể nhận định rằng tiềm năng phát triển của hệ sinh thái Blockchain là rất lớn, tuy nhiên việc phát triển công nghệ Blockchain ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do Việt Nam không có nhiều chuyên gia về Blockchain, mức độ am hiểu của người dân về công nghệ này rất hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo và cho đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa có bất kì một hành lang pháp lý cụ thể nào cho công nghệ này.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thị trường Blockchain Việt Nam cũng đang xảy ra các sự vụ tiêu cực, ảnh hưởng to lớn đến lòng tin của dư luận đối với lĩnh vực công nghệ chuỗi khối này, từ những tác hại của việc đào Bitcoin, những người nổi tiếng sẵn sàng vì tư lợi mà quảng cáo cho những đồng tiền điện tử nhiều rủi ro hay những vụ lừa đảo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về Blockchain tham gia vào sàn tiền ảo…

Để thị trường công nghệ blockchain phát triển đúng hướng, lành mạnh, phát huy được tiềm năng, cần nâng cao nhận thức, bổ sung các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Nhìn chung, công nghệ Blockchain vẫn đang trong giai đoạn đầu, đang trên đà phát triển nên những hạn chế là khó tránh khỏi, nhưng những thay đổi tích cực mà công nghệ này mang lại là không thể phủ nhận, còn nhiều những ưu điểm chưa được khai thác và đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực và quan tâm hơn nữa trong công cuộc phát triển công nghệ Blockchain”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, số lượng các doanh nghiệp Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện nay đã tăng gần 4 lần, từ 40 doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 đã tăng lên hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, doanh nghiệp Bitcoin/Blockchain chiếm 7,895%.

Tin bài liên quan