Trong khi một số người tham gia thị trường dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay trong quý đầu năm tới, các chiến lược gia của BlackRock kỳ vọng việc nới lỏng sẽ chỉ bắt đầu vào giữa năm.
Các chiến lược gia Wei Li và Alex Brazier của BlackRock cho biết: “Chúng tôi thấy nguy cơ những hy vọng này bị thất vọng. Lãi suất cao hơn và biến động lớn hơn xác định hệ thống mới”.
Do lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì trên mức trước đại dịch, BlackRock cũng đã hạ dự báo triển vọng về chiến lược dài hạn đối với cổ phiếu của các thị trường phát triển xuống mức trung lập, với lý do định giá cao và triển vọng kinh tế yếu.
“Thị trường đang dao động giữa kỳ vọng hạ cánh mềm và lo ngại suy thoái kinh tế… Điều này không đúng vấn đề. Nền kinh tế đang bình thường hóa sau đại dịch và được định hình bởi các động lực mang tính cơ cấu. Kết quả là sự mất kết nối giữa câu chuyện mang tính chu kỳ và thực tế cấu trúc càng làm tăng thêm sự biến động”, báo cáo cho biết.
BlackRock cảnh báo những hạn chế về nguồn cung do địa chính trị, lực lượng lao động bị thu hẹp do dân số già đi và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon đang thúc đẩy những thay đổi sẽ dẫn đến tăng trưởng thấp hơn, lạm phát cao hơn mục tiêu chính thức và sự bất ổn gia tăng. Các chiến lược gia cho biết, điều đó đang tạo ra một loại môi trường đầy biến động, do đó các nhà quản lý quỹ chủ động sẽ thành công hơn.
Tuy nhiên, các khuyến nghị của BlackRock có thể đang không đồng bộ với những động thái thị trường gần đây.
Cổ phiếu và trái phiếu dù kỳ hạn ngắn hay dài hạn đều tăng giá. Sự biến động đã giảm khi các nhà đầu tư trên thị trường chấp nhận câu chuyện rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Bây giờ trọng tâm là khi nào Fed sẽ bắt đầu cắt giảm và cắt giảm ở mức độ như thế nào.
Trong những tuần gần đây, thị trường đã đặt cược vào việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất khi dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm bớt và nền kinh tế đang chậm lại. Thị trường tiền tệ hiện cho thấy Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 5, và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 125 điểm cơ bản vào năm tới.
Theo các chiến lược gia BlackRock, nếu chi phí đi vay ở mức gần 5% trong một vài năm nữa, chính phủ có thể thấy mình phải chi nhiều hơn cho các khoản thanh toán lãi vay hơn là phúc lợi chăm sóc sức khỏe. Điều đó có thể dẫn đến lạm phát cố hữu và tăng trưởng trì trệ khi các ngân hàng trung ương phải vật lộn để ứng phó với nền kinh tế đang suy thoái bằng việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, như họ đã làm trong quá khứ.
Báo cáo của BlackRock cho biết: “Điều này làm tăng nguy cơ lạm phát cao hơn trong dài hạn khi các ngân hàng trung ương trở nên ít quyết liệt hơn đối với lạm phát. Chúng tôi cũng nhận thấy phần bù kỳ hạn tăng lên, tức nhu cầu bồi thường của các nhà đầu tư khi nắm giữ trái phiếu dài hạn đang tăng lên”.