Cổ phiếu BWE đang là địa chỉ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức, cũng như cá nhân trên thị trường chứng khoán khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước đã giảm xuống chỉ còn 25% tại BIWASE trong quý I vừa qua. Với mức sở hữu này, BIWASE có cơ chế quản trị linh hoạt, tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời, vẫn gắn kết để nhận được sự hỗ trợ của cổ đông lớn BECAMEX trong hoạt động phát triển.
Kết quả kinh doanh 2018 ấn tượng
BIWASE hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, được các nhà đầu tư đặc biệt yêu thích là cấp thoát nước và xử lý rác thải tại Bình Dương, địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư. Cổ phiếu BWE được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các năm tới nhờ nhu cầu về các dịch vụ mà BIWASE cung cấp gia tăng theo thời gian và lộ trình tăng giá nước 5% mỗi năm, từ năm 2018 đến 2022. Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu tối thiểu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tối thiểu 330 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2018.
BIWASE đã đầu tư mạng lưới cấp nước phủ khắp toàn tỉnh và là công ty duy nhất cung cấp nước sạch và dịch vụ thu gom xử lý chất thải cho toàn tỉnh Bình Dương và một số tỉnh thành lân cận. Công suất cấp nước của BIWASE nằm trong Top 3 công ty cấp nước lớn nhất Việt Nam. Hệ thống cấp nước của BIWASE có công nghệ tốt nhất và quản lý chống thất thoát rất tốt, chỉ ở mức 5,75%, trong khi trung bình cả nước là 21,5%. Tỷ suất sinh lợi của BIWASE cũng luôn tốt nhất trong ngành. Giai đoạn 2013 - 2017, BIWASE ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 23%, nguồn doanh thu lớn đến từ hoạt động sản xuất - kinh doanh nước sạch, chiếm trên 65%.
Năm 2018, BIWASE tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu 2.247 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế 313 tỷ đồng, tăng mạnh 52%. Trong đó, mảng sản xuất - kinh doanh nước sạch đạt 1.329 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2017, biên lợi nhuận gộp duy trì mức cao 48%. Sau khi BIWASE cổ phần hóa thành công, vốn nhà nước không còn chiếm tỷ lệ đa số, Công ty phải tự lực hoàn toàn vốn đầu tư cho hệ thống cấp nước luôn có nhu cầu mở rộng, thậm chí phải vươn về vùng nông thôn, cung cấp nước sạch, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Sự cố gắng đó đã được tỉnh Bình Dương ghi nhận và tạo điều kiện nên cho phép Công ty điều chỉnh tăng giá nước 5% mỗi năm, kể từ năm 2018 đến năm 2022. Đây cũng là tiền đề để Công ty có lãi và có tích lũy để tự chủ tài chính theo Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ Tái chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn. Đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu hàng năm là mảng thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Năm 2018, mảng này đạt doanh thu 623 tỷ đồng, tăng 29%. Còn mảng xử lý nước thải sinh hoạt (BIWASE sở hữu 4 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt) đạt doanh thu 51,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác.
Dư địa lớn từ các mảng hoạt động
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài dồn dập vào Việt Nam trong bối cảnh các nhà đầu tư có xu hướng đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam để tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như tận dụng cơ hội từ nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019. Bình Dương, địa phương có kinh nghiệm thu hút vốn FDI rất tốt, được dự báo sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.
Năm 2018, Bình Dương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI, theo hướng phát triển bền vững hơn. Tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn FDI, với 3.523 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký 32,3 tỷ USD. Tỉnh tiếp tục có định hướng tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ cũng như tăng tốc thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới. Với dòng vốn FDI ngày càng tăng, đến năm 2020, Bình Dương dự kiến sẽ có 39 khu công nghiệp, trong đó gồm 29 khu công nghiệp đang hoạt động, còn lại là các khu công nghiệp có kế hoạch mở rộng và khu công nghiệp mới. Việc phát triển khu công nghiệp sẽ kéo theo hàng trăm nghìn lao động từ các tỉnh khác di cư đến để sinh sống và làm việc.
Số lượng khu công nghiệp và dân số tăng thêm chính là dự địa tăng trưởng tiềm năng của BIWASE. BIWASE sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Bình Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh Bình Dương chủ trương phát triển kinh tế bền vững, các quy định và yêu cầu về xử lý chất thải, nước thải trong dân cư, khu công nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn. Đây là môi trường để BIWASE có cơ hội cung cấp dịch vụ và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý chất thải, nước thải. Việc xử lý chất thải, nước thải ở BIWASE được Bộ Xây dựng đánh giá là đơn vị có công nghệ tốt nhất nước.
Thực tế cũng cho thấy xu hướng gia tăng này, năm 2017, số lượng khách hàng của BIWASE tăng 322 khách so với năm 2016, đạt tổng cộng 2.138 khách hàng. Năm 2018, khách hàng của BIWASE tăng thêm 167 khách mới, nâng tổng khách hàng lên 2.305 khách hàng.
Được biết, đối với mỗi loại chất thải, BIWASE nhận được các mức phí khác nhau, tùy theo mức độ ô nhiễm và độ khó trong xử lý, cao nhất là chất thải công nghiệp nguy hại với mức giá trung bình 2 triệu đồng/tấn - BIWASE sẽ trực tiếp thỏa thuận giá với khách hàng. Với rác thải sinh hoạt, Công ty tái chế ra phân hữu cơ mang nhãn hiệu Phân bón Con Voi và ủ lấy khí mê tan phát điện rất sạch sẽ, tạo thêm nguồn thu đáng kể, không phát sinh mùi hôi và côn trùng xung quanh.
Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành vẫn lúng túng, bị động với việc xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, Bình Dương liên tục cải tiến công nghệ, đáp ứng mọi nhu cầu xử lý 100% rác thải sinh hoạt từ đô thị đến nông thôn.
Hiện BIWASE đang sở hữu tổ hợp xử lý chất thải tại Bình Dương có quy mô 100 ha. Điều này đồng nghĩa với việc BIWASE có thể mở rộng nhà máy ngay khi có nhu cầu mở rộng.
Trong lĩnh vực cấp nước, BIWASE dự kiến mở rộng Nhà máy nước Tân Hiệp, với tổng công suất tăng thêm 100 nghìn m3/ngày/đêm. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng từ vốn tích lũy và vay ngân hàng. Năm 2019, mục tiêu của BIWASE sẽ xong cơ bản trong mùa nắng (kể cả đền bù) trạm nước thô Tân Hiệp, tuyến ống D1500 phải đấu nối vào Nam Tân Uyên. Công ty sẽ liên tục cải tiến công nghệ và tự động hoá trong lĩnh vực cấp nước, hoàn thiện việc ghi - đọc chỉ số đồng hồ nước tự động, giảm chi phí nhân công để có tích lũy tài chính tái đầu tư.
Với năng lực cạnh tranh của mình, BIWASE sẽ không chỉ hoạt động tại Bình Dương mà sẽ luôn tìm các cơ hội cung cấp dịch vụ ra ngoài tỉnh. Công ty đang sở hữu đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề tốt nhất trong lĩnh vực cấp - thoát nước và xử lý chất thải và cả Hoa viên Nghĩa trang.
BIWASE còn là cổ đông sáng lập, chiếm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ lớn nhất (trên 40%) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa, đơn vị thực hiện dự án Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương. Dự án này có diện tích 200 ha và đang mở rộng thêm 100 ha.