BIWASE (BWE) nhận khoản vay 20 triệu USD từ ADB và JICA

BIWASE (BWE) nhận khoản vay 20 triệu USD từ ADB và JICA

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 9/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE, mã chứng khoán BWE) đã ký kết khoản vay trị giá 20 triệu USD.

Theo hợp đồng, Biwase được vay vốn ưu đãi 20 triệu USD, trong đó gồm 7 triệu USD từ các nguồn vốn thông thường của ADB, 6 triệu USD từ Quỹ hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu châu Á do ADB quản lý và khoản vay song song trị giá 7 triệu USD từ JICA.

Đây là khoản vay không bảo lãnh của Chính phủ với mục đích đầu tư cho Dự án xử lý rác thải đô thị và rác công nghiệp - nguồn vốn sẽ phục vụ dự án Nhà máy sản xuất phân Compost công suất 840 tấn/ngày, lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày có phát điện công suất 5MW/giờ. Khi dự án hoàn thành sẽ phân loại 2.520 tấn/ngày, tách lọc, phân loại tái chế phân hữu cơ và phần còn lại sẽ được tiêu hủy đốt và tận dụng nguồn nhiệt để phát điện công suất 5MW/h.

Tại buổi ký kết, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase chia sẻ, trong những năm vừa qua ADB và JICA luôn đồng hành cùng Biwase trong nhiều dự án, trong đó có những dự án về cấp thoát nước. Từ nguồn vốn ODA, với lãi suất thấp, Công ty đã đầu tư nhiều dự án nước, đặc biệt tại khu vực Dĩ An, ADB đã tài trợ 2 dự án cấp nước, JICA đã tài trợ cho 3 dự án rác thải. Các dự án đó đã tạo hạ tầng tốt cho Bình Dương, đóng góp vào chương trình xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân.

Ông Thiền cho biết, mỗi ngày, khu liên hiệp xử lý rác Bình Dương tập kết 2.500 tấn/ngày rác sinh hoạt, và trên 300 tấn/ngày rác công nghiệp. Tuy nhiên, lượng rác được tách lọc xử lý tạo thành phân bón chỉ đạt 1.700 tấn/ngày, còn công suất của lò đốt chỉ được 25 tấn/ngày.

"Khi lò đốt rác công suất 200 tấn/ngày đi vào hoạt động, sẽ tận dụng nguồn nhiệt để phát điện góp phần giảm khối lượng chôn lấp. Trong khi giá phân vô cơ tăng cao, Biwase đã nỗ lực sản xuất phân hữu cơ với giá rẻ cung ứng cho thị trường khu vực phía Nam. Ngoài ra, tro xỉ sẽ tiếp tục tái chế để làm ra gạch, bê tông...", ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ thêm.

Ông Jackie B.Surtani, đại diện ADB cho biết, việc hợp tác giữa Biwase và ADB đã bắt đầu từ năm 2002 khi ADB cung cấp khoản vay cho thành phố/tỉnh cấp 3 về cấp nước và vệ sinh môi trường, sau đó là khoản vay tiếp nối trong chương trình đầu tư cấp nước vào năm 2013. Dựa trên thành công này, ADB đã tiếp tục hỗ trợ cho Biwase và hỗ trợ khoản vay độc lập đầu tiên cho Biwase vào năm 2020, hỗ trợ cho việc mở rộng năng lực cấp nước.

Đại diện JICA, ông Jin Wakabayashi, Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, cũng có đánh giá về tiềm năng của dự án. Ông cho rằng, Bình Dương chính là thủ phủ của các nhà máy công nghiệp Việt Nam, với tư cách là 1 tỉnh có sự phát triển dân số nhanh, và là tỉnh thu hút vốn đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất Việt Nam, từ đó, nhu cầu xử lý rác thải đã tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua. Đây là dự án hỗ trợ kịp thời các nhu cầu cấp thiết, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển tương lai của tỉnh Bình Dương.

Tin bài liên quan