Sau khi đạt mức đỉnh cao nhất trong vòng 6 tuần gần đây ở trên 21.000 USD, đồng tiền điện tử Bitcoin đã không thể giữ phong độ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ nỗi lo lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao khiến giới đầu tư chùn bước, thu hẹp các khoản đầu tư vào tài sản rủi ro.
Theo báo cáo được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý III đã tăng trưởng với tốc độ 2,6%, cao hơn dự báo tăng trưởng 2,3% từ các chuyên gia được khảo sát bởi Dow Jones.
Một chỉ số giá được điều chỉnh để phản ánh thay đổi trong hành vi người tiêu dùng cho thấy mức tăng trưởng 4,1% trong quý III, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,3% nhờ giá nhiên liệu giảm. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa thích sử dụng - tăng 4,2% trong quý III, thấp hơn đáng kể so với mức 7,2% trong quý II. Đây là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn chưa thực sự rơi vào suy thoái và nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ (lãi suất) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng thông báo nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, đánh dấu đợt nâng lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Đồng thời, ECB quyết định giảm bớt hỗ trợ cho các ngân hàng châu Âu. Cụ thể, lãi suất chuẩn từ 0,75% lên 1,5%, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. Trước đó, ECB cũng nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 7 và 75 điểm cơ bản trong tháng 9. Cơ quan này cho biết lộ trình tăng lãi suất vẫn sẽ còn được tiếp diễn trong thời gian tới.
Canada cũng đã giảm tỷ lệ tăng lãi suất do lo ngại suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở nước này. Được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất chuẩn lên 0.75% (sau khi đã tăng 0.75% vào tháng 9 và 100 điểm vào tháng 7), thay vào đó, ngân hàng trung ương Canada chỉ tăng thêm 0.5% và đưa lãi suất lên 3.75%.
Fed đang chịu áp lực rất lớn từ chính trị đến các nhà đầu tư và cơ quan tiền tệ quốc tế. Là một cơ quan độc lập trong chính phủ, liệu Fed có thay đổi quyết định của mình hay vẫn giữ vững lập trường tăng lãi suất. Các nhà đầu tư vẫn cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng 0.75% lãi suất và chuẩn bị tâm lý cho điều này.
Đợt phục hồi bất ngờ vừa qua của Bitcoin, mặc dù đã khiến hàng tỷ USD của giới short thủ bốc hơi, tuy nhiên vẫn chưa đủ để làm giảm số lượng các lệnh sử dụng đòn bẩy lớn trên các sàn giao dịch. Theo dữ liệu của CryptoQuant, tỷ lệ này vẫn đang ở mức rất cao nếu tính từ hồi tháng 7.
Trong vòng một tháng qua, số lượng BTC trên sàn vẫn tiếp tục giảm. Riêng sàn giao ngay, số lượng Bitcoin giảm gần đây, tuy nhiên ngày qua có số lượng nạp lên sàn nhiều hơn. Nhưng sàn phái sinh ngược lại, lại có một số lượng Bitcoin được rút khỏi sàn. Có thể nhà đầu tư/tổ chức đầu tư đem Bitcoin lên sàn tạo vị thế cho mình sau đó rút ra. Tỷ lệ Bitcoin có lãi vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 58%.
Một thông tin khác có liên quan đến thị trường tiền điện tử đó là việc tỷ phú Elon Musk được cho là đã hoàn thành các bước cuối cùng trong việc tiếp quản Twitter sau thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD, đồng thời sa thải hàng loạt nhân sự cao cấp. Trước đó, không ít lần các bài tweet của vị tỷ phú trên mạng xã hội này đã khiến thị trường tiền điện tử phải chao đảo.
Thị trường sụt giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 28/10. Nguồn: Coin360. |
Cùng với Bitcoin, cả 10/10 đồng tiền điện tử đứng đầu đều giảm giá trong phiên giao dịch ngày hôm nay: Ethereum giảm 2,83% còn 1.510 USD; Binance Coin giảm 0,98% còn 287,62 USD; XRP giảm 2,07% còn 0,46 USD; Cardano giảm 5,12% còn 0,38 USD; Solana giảm 2,29% còn 30,66 USD; DOGE giảm 2,47% còn 0,073 USD; Polygon giảm 3,11% còn 0,90 USD; Polkadot giảm 2,19% còn 6,36 USD; SHIB giảm 5,45% còn 0,000011 USD.
Với việc giá Bitcoin không thể duy trì chuỗi tăng điểm đã kéo theo sự đi xuống của các đồng tiền điện tử khác trên thị trường. Trong đó, Toncoin (TON), EthereumPoW (ETHW), Aptos (APT), Quant (QNT), Chiliz (CHZ)... là những dự án thiệt hại nhiều nhất trong phiên.
Trong đợt sóng hồi phục gần đây, không khó để nhận ra đồng Ethereum (ETH) đang có mức tăng trưởng ấn tượng hơn Bitcoin. Kể từ khi ETH triển khai nâng cấp mạng quan trọng The Merge vào ngày 15/9, chuyển từ đồng thuận khai thác PoW sang PoS, giới đầu tư mãi mới có thể chứng kiến được sự hồi phục phong độ của dự án lớn thứ hai trên thị trường.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ chế PoS đang khiến những người ủng hộ dự án lo ngại blockchain ETH đang mất bị bản chất phi tập trung và bị các cơ quan chính phủ giám sát nhiều hơn.
The Merge đã thay thế cách xác minh các giao dịch trên mạng Ethereum. Thay vì thợ đào sử dụng sức mạnh tính toán để xác minh quá trình chuyển đổi coin, các trình xác thực cam kết token ETH để xác minh giao dịch đó. Những trình xác thực có số lượng ETH cao hơn sẽ có tiếng nói lớn hơn, vì họ có tỷ lệ node trình xác thực hoặc ETH được stake lớn hơn.
Giám đốc công nghệ của sàn giao dịch 1GCX, RA Wilson cho rằng, cơ chế hiện tại của ETH cho phép những holder ETH lớn giành được quyền kiểm soát phần lớn mạng, khiến nó tập trung hơn đáng kể nhưng chắc chắn sẽ thiếu an toàn hơn. Vấn đề tập trung bộc lộ khá rõ ngay sau khi The Merge, vì 46,15% các node để lưu trữ dữ liệu, xử lý giao dịch và thêm các block mới có thể chỉ do hai địa chỉ thực hiện.
Bất chấp những lo ngại về việc tập trung hóa quá mức và bị giám sát bởi các quy định, giới quan sát tin rằng blockchain ETH sẽ khắc phục được những vấn đề ngắn hạn này và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái trong dài hạn.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo đạt khoảng 100 tỷ USD.