Bitcoin lao dốc, giới phân tích bi quan về triển vọng thị trường trong tháng 9

Bitcoin lao dốc, giới phân tích bi quan về triển vọng thị trường trong tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư đã quyết định tạm thời đứng ngoài thị trường và đợi "wake me up when September ends".

Đồng hành cùng chứng khoán Mỹ, thị trường tiền điện tử đang trải qua quãng thời gian tương đối mệt mỏi khi mà giá của đồng Bitcoin đã có thời điểm giảm xuống 55.500 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 8/8, xóa bỏ toàn bộ "công sức" hồi phục trước đó. Kết thúc tháng 8, giá Bitcoin đã giảm khoảng 8,6% khiến tỷ lệ Bitcoin có lãi trên thị trường cũng điều chỉnh về chỉ còn khoảng 73%.

Đà bán tháo trong thị trường tiền mã hóa diễn ra cùng lúc với sự sụt giảm đáng kể của thị trường chứng khoán, với chỉ số Nasdaq giảm 2,4% và S&P 500 giảm 1,5%. Giới chuyên gia cho rằng, dữ liệu kinh tế mới được công bố đang thổi bùng nỗi lo về suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Cụ thể, báo cáo mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã chỉ ra 47,2% các nhà quản lý mua hàng ghi nhận sự mở rộng trong tháng 8, thấp hơn con số dự kiến 47,5% của các chuyên gia kinh tế. Chi tiết của báo cáo có dấu hiệu của lạm phát trì trệ, với đơn đặt hàng mới giảm xuống 44,6 từ mức 47,4 của tháng 7, trong khi giá cả tăng lên 54,0 từ 52,9.

Với khi dữ liệu kinh tế có phần yếu kém được tung ra, giới đầu tư đã tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9 lên 39% từ 30% một ngày trước đó, theo CME FedWatch. Tuy nhiên, lựa chọn được đặt cược nhiều nhất vẫn là 25 điểm cơ bản với tỷ lệ 61%.

Sự kiện chính về tin tức kinh tế vĩ mô của Mỹ và có thể là yếu tố quyết định cuối cùng về việc Fed sẽ cắt giảm 25 hay 50 điểm cơ bản - vẫn là báo cáo việc làm tháng 8 vào thứ Sáu (ngày 6/9). Các nhà kinh tế dự báo, số việc làm tăng trở lại 160.000 từ mức 114.000 yếu kém của tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm xuống 4,2% từ 4,3%.

Các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đang chứng kiến dòng vốn chảy ra lớn nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Nguồn: Farside Investors.

Các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đang chứng kiến dòng vốn chảy ra lớn nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Nguồn: Farside Investors.

Ngoài các yếu tố vĩ mô, tác nhân chính khiến thị trường tiền điện tử giảm sút đến từ các quỹ ETF giao ngay. Theo quan sát, trong phiên giao dịch đầu tuần này, các quỹ ETF Bitcoin giao ngay niêm yết tại Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn trước những lo ngại về tăng trưởng cũng như đợt bán tháo cổ phiếu Nvidia (NVDA) làm giảm tâm lý thị trường. Cụ thể, 11 quỹ ETF ghi nhận tổng dòng tiền rút ròng 287,8 triệu USD, mức cao nhất trong một ngày kể từ ngày 1/5, khi các quỹ này chứng kiến hơn 500 triệu USD bị rút ra, theo dữ liệu được theo dõi bởi Farside Investors.

FBTC của Fidelity dẫn đầu về dòng tiền rút ra, ghi nhận 162,3 triệu USD bị rút. GBTC của Grayscale ghi nhận dòng tiền rút ra 50,4 triệu USD, BITB và ARK mất lần lượt 25 triệu USD và 33,6 triệu USD, các quỹ khác chiếm phần còn lại của tổng dòng tiền rút ra. IBIT của BlackRock không ghi nhận dòng tiền vào ra trong ngày giao dịch thứ hai liên tiếp.

Cuối cùng, các nhà đầu tư Bitcoin lo ngại rằng lợi nhuận của các thợ mỏ, hiện đang gần mức thấp nhất mọi thời đại, có thể gây ra một đợt bán tháo lớn. Các thợ mỏ hiện đang nắm giữ hơn 1,8 triệu BTC, con số này hầu như không thay đổi trong hai tháng qua. Lo ngại này càng tăng cao khi chỉ số hashrate của Bitcoin, thước đo lợi nhuận kỳ vọng từ một lượng công suất khai thác nhất định, đã giảm mạnh.

Mặc dù vẫn có không ít các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường có sự phục hồi vào tháng 9, nhưng điều đó có thể chỉ là suy nghĩ viển vông. Theo Alex Thorn, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Galaxy, trong tháng 9 của những năm gần đây, có tới 7/10 lần Bitcoin đã giảm. Tuy nhiên, bộ dữ liệu này cũng chứa một số tin tốt, vì tháng 10 thường là tháng tốt nhất trong năm của Bitcoin và phần còn lại của mùa thu thường mang lại lợi nhuận dương.

Tin bài liên quan