Bitcoin dính "bão" suy giảm, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử chao đảo

Bitcoin dính "bão" suy giảm, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử chao đảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá Bitcoin đã giảm mạnh trong những ngày gần đây khi thị trường phản ứng với một số thông tin ảnh hưởng tiêu cực bao gồm cả dữ liệu việc làm ảm đạm của Mỹ.

Tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử đã giảm gần 30% so với mức đỉnh năm 2024 là 2.670 tỷ USD và hiện ở mức 1.900 tỷ USD. Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng về khoảng 52.000 USD. Các tiền điện tử khác như SOL của hệ sinh thái Solana, XRP và ADA của Cardano đều giảm hơn 8% trong tuần này. Ether đã giảm 12% xuống còn khoảng 2.200 USD trong tuần này. Chỉ số Nasdaq (tập trung vào nhóm công ty công nghệ) giảm 5,8% trong tuần, là tuần tệ nhất kể từ tháng 1/2022.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

“Biến động giá Bitcoin tiếp tục giảm do sự kết hợp của các yếu tố kinh tế vĩ mô, dòng tiền ETF không như mong đợi và hiệu ứng theo mùa”, Jacob Joseph, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại CCData cho biết.

Ông chỉ ra dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ vừa cho thấy nền kinh tế của quốc gia này đã tạo ra 142.000 việc làm vào tháng 8, thấp hơn so với kỳ vọng.

“Dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động yếu hơn so với suy nghĩ trước đây, làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế…Điều này đã dẫn đến tâm lý sợ rủi ro trong số các nhà đầu tư, khiến họ tránh xa các tài sản rủi ro hơn như Bitcoin”, ông cho biết thêm.

Brett Sifling, cố vấn đầu tư của Gerber Kawasaki Wealth & Investment Management cho biết: “Đợt bán tháo bắt đầu từ báo cáo việc làm gần đây, khiến các nhà đầu tư băn khoăn về tình hình kinh tế và liệu chúng ta có đang hướng tới suy thoái hay không”.

"Kết quả thị trường lao động Mỹ gần đây đã đóng vai trò là khoảnh khắc sự thật đối với các tài sản rủi ro như Bitcoin, vì thị trường lao động được xem là lĩnh vực chính có thể ảnh hưởng đến quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng này", Leena ElDeeb, nhà phân tích tại công ty phát hành ETF 21Shares cho biết.

Bất chấp tác động tiêu cực của dữ liệu việc của Mỹ đối với giá Bitcoin, các số liệu có thể khiến các quan chức Fed “có thái độ ôn hòa hơn nhiều và hạ lãi suất trong tháng này…Lãi suất thấp hơn trong lịch sử được xem là một diễn biến tích cực đối với Bitcoin”, ông cho biết.

Một số nhà quan sát thị trường khác đã nhấn mạnh rằng số liệu việc làm ảm đạm của Mỹ có thể tác động đến quá trình ra quyết định của các quan chức Fed.

Tim Enneking, đối tác quản lý của Psalion cho biết "việc cắt giảm lãi suất gần như chắc chắn sẽ lên tới 75 đến 100 điểm cơ bản trong năm nay và nền kinh tế Mỹ và toàn cầu có vẻ như sẽ hạ cánh nhẹ nhàng".

Ngoài áp lực vĩ mô, yếu tố thời điểm cũng không có lợi cho tiền điện tử. Theo dữ liệu từ CoinGlass, tháng 9 thường là tháng khó khăn nhất cho các giao dịch tiền điện tử, với Bitcoin thường giảm trung bình khoảng 4,8%. Chỉ số Fear & Greed của thị trường tiền điện tử đang ở vùng "Cực kỳ sợ hãi", cho thấy nhà đầu tư lo ngại về biến động giá.

Không chỉ vậy, 11 quỹ ETF Bitcoin giao ngay của Mỹ có ngày tệ nhất vào 3/9, với hơn 287 triệu USD bị rút ra sau khi dữ liệu sản xuất yếu khiến lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ tăng cao.

Nhà phân tích Jacob Joseph cho biết: "Các tác động theo mùa vào mùa hè đã làm chậm dòng vốn chảy vào các ETF, dẫn đến tình trạng thiếu dòng vốn mới để hỗ trợ giá Bitcoin".

Nhà phân tích Jacob Joseph lưu ý rằng: "Theo lịch sử kể từ năm 2010, lợi nhuận trung bình của Bitcoin trong tháng 9 trung bình là -4,51%, khiến tháng 9 trở thành tháng có hiệu suất kém nhất trong lịch sử, góp phần gây ra kỳ vọng tiêu cực".

“Hơn nữa, thị trường có nhiều khả năng sẽ tránh rủi ro khi bước vào giai đoạn có nhiều chất xúc tác có thể gây ra biến động cao, với cuộc tranh luận về bầu cử Mỹ vào ngày 10/9, CPI và quyết định lãi suất của Fed vào ngày 12/9 và 18/9”, ông cho biết thêm.

“Trong khi đó, nhu cầu về Bitcoin đã giảm mạnh trong vài tháng qua”, Julio Moreno, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CryptoQuant cho biết.

Cổ phiếu tiền điện tử chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Việc các tài sản trên thị trường tiền điện tử giảm mạnh đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm cổ phiếu có liên quan. Điển hình như quỹ ETF chủ đề tiền điện tử của Schwab Asset Management (STCE), bao gồm MicroStrategy, Marathon Digital, Riot Blockchain và Coinbase, giảm 11%. Cùng với đó, cổ phiếu của sàn giao dịch Coinbase, đang trong cuộc chiến pháp lý với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về việc liệu có tham gia bán chứng khoán không đăng ký hay không, đã giảm 20% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay. Cổ phiếu của MicroStrategy, công ty nắm giữ nhiều Bitcoin nhất trên thế giới, đã giảm 14% sau khi giảm 12% vào tuần trước đó.

Các công ty đào Bitcoin hàng đầu đều kết thúc tuần với mức giảm hai con số, dẫn đầu là CleanSpark giảm 24%. Riot Platforms mất 17%.

Xu hướng giảm này là sự tiếp nối từ tháng trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho biết trong một báo cáo hôm thứ Sáu (6/9), dẫn ước tính của TradingView, rằng mặc dù giá token và tài sản giảm mạnh, khối lượng giao dịch tăng trong tháng 8, với tổng khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày tăng 8% so với tháng trước.

Đợt bán tháo trên toàn ngành phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và theo cùng với sự sụt giảm về giá Bitcoin, Ether và các tài sản rủi ro nói chung. Chỉ số Nasdaq đã giảm 5,8% trong tuần này, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2022.

Triển vọng không chắc chắn

Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang hướng toàn bộ sự chú ý đến phiên họp tháng 9 của Fed. Cuộc họp lần này được kỳ vọng là thời điểm có thể Fed sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong bốn năm. Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nêu quan điểm rằng "đã đến lúc" điều chỉnh chính sách lãi suất. Các nhà phân tích dự đoán mức giảm 0,25% hoặc 0,5% từ mức hiện tại 5,25%-5,5%.

Như đã biết, chính sách tiền tệ nới lỏng thường có lợi cho các tài sản rủi ro như tiền điện tử, vì nhà đầu tư thường đổ tiền vào nhiều hơn khi chi phí vay giảm.

Dữ liệu lạm phát mới nhất sẽ được công bố vào thứ Tư với Chỉ số Giá Tiêu dùng tháng 8. Kết quả này là một chỉ số quan trọng khác mà Fed sẽ xem xét trước cuộc họp tháng 9.

Cuộc tranh luận tổng thống Mỹ vào thứ Ba cũng có thể là yếu tố tác động đến giá trên thị trường tiền điện tử. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tự quảng bá mình là ứng cử viên tổng thống ủng hộ tiền điện tử và gần đây đã phát biểu tại sự kiện Bitcoin lớn nhất năm ở Nashville. Nhiều người trong ngành xem một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai tiềm năng của Trump là chất xúc tác cho ngành, một phần vì ông đã hứa sẽ loại bỏ Chủ tịch SEC Gary Gensler, người từ lâu được coi là người hoài nghi về tiền điện tử.

Mặc dù các nhà phân tích có thể tạo ra sự đồng thuận về tác động chính mà chính sách tiền tệ có thể có đối với thị trường Bitcoin trong tương lai, nhưng họ đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về cách thức hoạt động của đồng tiền điện tử này trong tương lai.

“Hiện tại chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp, không có động lực tăng giá rõ ràng nào cho giá Bitcoin, đặc biệt là kể từ khi cơn sốt về ETF Bitcoin giao ngay đã kết thúc và giá đang giảm dần”, Tim Enneking, đối tác quản lý của Psalion cho biết.

“Giờ đây, khi Bitcoin đang ở mức khoảng 56.000 USD, thì có một số ngưỡng hỗ trợ khá tốt ở mức 54.000 USD, nhưng nếu mức hỗ trợ không giữ được, Bitcoin có nguy cơ giảm xuống là 49.000 USD”, ông cho biết.

Greg Magadini, Giám đốc sản phẩm phái sinh của công ty cung cấp dữ liệu tài sản kỹ thuật số Amberdata đã đưa ra một quan điểm khác.

“Giá Bitcoin có thể sẽ tiếp tục dao động trong phạm vi 55.000-65.000 USD trong một thời gian nữa…Giá Bitcoin đang chuẩn bị tiếp tục tăng từ mức thấp nhất của thị trường giá xuống là 16.000 USD trong 12-18 tháng tới do thanh khoản toàn cầu tăng, 16 tỷ USD được thanh toán bằng tiền mặt cho các chủ nợ FTX và môi trường tài chính có lợi cho giá tài sản”, ông cho biết.

Tin bài liên quan