Bitcoin có tuần lễ thứ 2 đóng cửa trong sắc đỏ và nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường điều chỉnh trong thời gian qua

Bitcoin có tuần lễ thứ 2 đóng cửa trong sắc đỏ và nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường điều chỉnh trong thời gian qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong vòng 2 tháng qua, GBTC đã bán đến 50%  tổng số quỹ quản lý, do đó quá trình này không thể tiếp tục kéo dài và gây ảnh hưởng đến thị trường trong dài hạn.

Sau khi liên tục thiết lập những mức đỉnh lịch sử mới, giá của đồng tiền điện tử Bitcoin đã gặp phải quá trình điều chỉnh và đã có tuần giao dịch thứ hai đóng cửa trong sắc đỏ. Ở thời điểm hiện tại, giá Bitcoin đã hồi phục lên trên mốc 67.000 USD, đồng thời ghi nhận mức giảm nhẹ hơn 1% trong vòng 7 ngày qua. Theo giới chuyên gia nhận định, việc một tài sản điều chỉnh sau quá trình tăng trưởng nóng là điều hết sức bình thường. Không chỉ thế, quá trình điều chỉnh còn có thể giúp cho thị trường tăng trưởng bền vững hơn, bởi đó là cơ hội để giới đầu tư chốt lời một phần tài sản cũng như hạ bớt các vị thế sử dụng đòn bẩy.

Trong lịch sử, có thể thấy hầu hết trước và sau khi Bitcoin thiết lập mức đỉnh mới đều trải qua các đợt điều chỉnh. Giả dụ như giai đoạn 2016 - 2017, giá Bitcoin đã có những kỳ điều chỉnh lên đến 30% - 40%. Giai đoạn 2020 - 2021, thị trường trải qua khoảng 5 đợt điều chỉnh, dao động trong khoảng từ 15% đến gần 30%. Trong khi đó, từ đầu năm 2024, giá Bitcoin đã điều chỉnh khoảng 15%. Có thể thấy, khi mà giá trị của Bitcoin tăng theo thời gian thì các đợt điều chỉnh cũng đã giảm hơn.

Tỷ lệ Bitcoin có lãi trên thị trường đã giảm xuống khoảng 93%.

Tỷ lệ Bitcoin có lãi trên thị trường đã giảm xuống khoảng 93%.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ Bitcoin có lãi đang lưu thông trên thị trường đã giảm xuống còn hơn 93%, tuy nhiên các chuyên gia của JPMorgan vẫn cho rằng, đồng tiền điện tử vẫn đang trong vùng quá mua và có nguy cơ tiếp tục suy giảm. Nguyên nhân chính được đưa ra là do dòng vốn chảy vào các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đang có dấu hiệu chững lại trong thời gian qua.

Dòng tiền từ các quỹ ETF Bitcoin giao ngay.
Dòng tiền từ các quỹ ETF Bitcoin giao ngay.

Nhìn vào bảng thống kê dòng vốn từ các quỹ Bitcoin ETF của Farside có thể thấy, từ ngày 18 - 22/3 vừa qua, tất cả đều là dòng tiền âm. Mặc dù các quỹ lớn như IBIT và FBTC vẫn duy trì dòng tiền đổ vào thị trường, tuy nhiên lực bán từ GBTC quá lớn đã khiến dòng tiền không thể cân bằng.

Vậy GBTC là gì và tại sao lại bán nhiều như vậy?

Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) là một quỹ đầu tư Bitcoin được quản lý bởi Grayscale Investments. Trước đây, GBTC là tín thác Bitcoin lớn nhất thế giới được giao dịch công khai cho phép các nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu được hỗ trợ bởi Bitcoin. Ngoài ra, Grayscale còn cung cấp các quỹ tín thác với một rổ tài sản tiền điện tử khác như Ethereum, Litecoin, Filecoin,...

Với giá trị tài sản ròng khoảng 30 tỷ USD, cục diện của quỹ đã thay đổi vào ngày 10/1/2024 khi SEC chấp thuận việc chuyển đổi GBTC thành quỹ ETF. Một trong những lý do mà một quỹ như GBTC muốn chuyển đổi thành ETF là để giảm bớt chênh lệch giá giữa giá của cổ phiếu quỹ và giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ. ETF thường có cơ cấu và quy trình tạo lập và hoàn tiền (creation and redemption process) cho phép giá cổ phiếu ETF giao dịch sát với NAV của quỹ hơn so với các quỹ niêm yết khác. Quá trình này giúp đảm bảo rằng giá cổ phiếu của ETF không chệch quá xa so với giá trị tài sản cơ bản. Ngoài ra, khi trở thành quỹ ETF cũng là cơ hội để cổ phiếu GBTC sẽ có thể được giao dịch trên các sàn chứng khoán lớn của Mỹ, từ đó tiếp cận được thêm dòng tiền từ các tổ chức đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, mọi thứ lại không diễn ra như kịch bản. Kể từ khi được chuyển đổi thành quỹ ETF, quỹ GBTC đã phải liên tục phải chuyển Bitcoin lên các sàn giao dịch, chủ yếu là sàn Coinbase Prime do áp lực từ các nhà đầu tư. Họ có thể là những người đã nắm giữ cổ phiếu GBTC suốt giai đoạn downtrend từ năm 2021-2023. Bên cạnh khả năng chốt lãi, nhiều nhà đầu tư còn muốn hoán đổi danh mục đầu tư sang các ETF Bitcoin khác nhằm tránh khoản phí quản lý cao nhất ngành (lên tới 1,5%; cao hơn gấp khoảng 5, 6 lần so với các quỹ khác) từ Grayscale.

Ngoài ra, GBTC còn phải chịu áp lực bán từ Genesis Global Capital, một công ty cho vay tiền điện tử đã nộp đơn xin phá sản vào đầu năm 2024. Theo đơn đệ trình lên tòa án của Genesis, công ty đã yêu cầu được phê duyệt việc bán tài sản ủy thác của mình, bao gồm gần 1,4 tỷ USD cổ phiếu GBTC.

Theo giới chuyên gia nhận định, dù lực bán từ GBTC là lớn, tuy nhiên điều này không thể kéo dài được mãi. Trong vòng 2 tháng qua, theo báo cáo của GBTC, trung bình mỗi ngày quỹ đã chứng kiến dòng tiền chảy ra khoảng 277 triệu USD, tương ứng 4.140 Bitcoin mỗi ngày. Hiện tại, quỹ GBTC đang nắm giữ khoảng 350.252 Bitcoin (tương ứng số tiền 23 tỷ USD trên thị trường). Ở chiều ngược lại, quỹ IBIT được quản lý bởi BlackRock đang nắm giữ khoảng 238.500 Bitcoin (trị giá khoảng 15.5 tỷ USD) với dòng vốn đi vào trung bình khoảng 274 triệu USD, tương ứng 4.120 Bitcoin mỗi ngày.

Với quá trình dòng vào vào/ra như hiện tại, quỹ IBIT có thể vượt qua GBTC về khối lượng Bitcoin nắm giữ vào ngày 11/4. Thậm chí, nếu như dòng vốn trung bình cả quỹ IBIT chảy mạnh như tuần trước (khoảng 7.200 Bitcoin/ngày) thì quá trình đảo chiều sẽ còn xảy ra nhanh hơn và được ước đoán trong vòng 10 ngày tới.

Eric Balchunas, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Bloomberg cho rằng, không nên quá lo lắng về dòng tiền chảy ra từ GBTC vì nó sẽ chỉ khiến thị trường biến động trong thời gian ngắn và có thể sẽ kết thúc trong vòng vài tuần tới.

Tin bài liên quan