Công tác phòng, chống tham nhũng được người dân rất quan tâm. Thưa ông, kết quả thu được thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng (Vụ 5), Ban Nội chính Trung ương. |
Tội phạm tham nhũng được phát hiện trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát đã tập trung phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả đặc biệt lớn, với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng ở lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai, đầu tư dự án, y tế, giáo dục, đấu thầu…
Nhiều cán bộ cấp cao phạm tội bị phát hiện thông qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, sau đó bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, có thể kể đến như vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Xây lắp dầu khí và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng; vụ án vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng tại Dự án Xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ gây thiệt hại trên 500 tỷ đồng; vụ án nhận 3,2 triệu USD tiền hối lộ xảy ra tại Công ty AVG; vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật trong việc bán tài sản nhà nước (đất đai) tại Đà Nẵng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 19.000 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, có những vụ án tham nhũng số tiền chiếm đoạt không lớn, nhưng có tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội. Điển hình như các vụ án liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thiết bị y tế, xảy ra tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và nhiều bệnh viện lớn...
Còn về số liệu thống kê, thì từ năm 2016 đến tháng 6/2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố 1.356 vụ án, 3.471 bị can về tội tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân đã truy tố 1.268 vụ án, 3.410 bị can; Tòa án Nhân dân đã xét xử 1.195 vụ án, 3.231 bị cáo.
Con số thống kê liệu đã phản ánh hết thực trạng chưa, thưa ông?
Hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng bước vào giai đoạn mới, không chỉ có phòng và chống tham nhũng, mà còn cả tiêu cực. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã quyết định đổi tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tức là, mở rộng nội hàm, tăng chức năng, nhiệm vụ, coi việc chống tiêu cực ngang với chống tham nhũng, bởi tham ô, tham nhũng có khởi nguồn từ tiêu cực, nếu ở đâu không có tiêu cực chắc chắn không thể nảy sinh tham nhũng.
Trong giai đoạn này, phải hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục bằng được những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật mới có thể bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng, để đến khi tổng kết giai đoạn không còn những vụ “đại án” làm thất thoát tài sản nhà nước hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng, gây bức xúc trong xã hội. Công cuộc chống “nội xâm” dứt khoát không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Làm cách nào để bịt kín những khoảng trống, kẽ hở để không thể tham nhũng?
Hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách, pháp luật là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để bịt kín khoảng trống, kẽ hở dẫn đến tham nhũng. Ngoài ra, còn nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải kiểm soát quyền lực, bởi chỉ người có quyền mà quyền hành đó không được kiểm soát hoặc kiểm soát lỏng lẻo mới có thể tham nhũng.
“Phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” là vấn đề thường được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Bộ Chính trị đã giao các cơ quan xây dựng 3 đề án liên quan đến kiểm soát quyền lực, gồm: kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; kiểm soát quyền lực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật.
“Tham nhũng chính sách” là cụm từ lâu nay thường được nhắc đến. Ông có thể nói rõ hơn về việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật để không thể “tham nhũng chính sách”?
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nói rộng ra là hoàn thiện thể chế là việc làm thường xuyên, liên tục, đặc biệt cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để giảm thiểu các vụ án tham nhũng, tham ô, gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước thì công tác phòng tham nhũng quan trọng hơn. Chống tham nhũng là việc đặng chẳng đừng do phòng không hết, còn kẽ hở, còn để xảy ra tham nhũng thì phải chống.
Hoàn thiện thế chế là một trong những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm. Bởi có những quy định khi ban hành thì phù hợp, nhưng sau một thời gian triển khai không còn phù hợp, thậm chí còn cản trở sự phát triển, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho tham nhũng có cơ hội nảy sinh.
Kể từ khi thành lập đến nay, hàng năm, qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra rất nhiều sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện, bổ sung hoặc bãi bỏ. Các kiến nghị là nguồn dữ liệu đầu vào rất quan trọng để Ban Nội chính Trung ương nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài hoàn thiện thể chế, pháp luật, theo ông, để giảm thiểu tham nhũng cần phải chú trọng những điểm nào?
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải nhạy bén, sáng tạo, kiên quyết, kiên trì; chú trọng phòng ngừa, coi việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình là nhiệm vụ, biện pháp quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, chủ động phát hiện với xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ở đâu để xảy ra tham nhũng, che giấu tham nhũng, xử lý không đúng với tính chất, mức độ hành vi tham nhũng, thì người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, báo chí có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động. Phát huy sức mạnh của toàn dân, dư luận xã hội và báo chí trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.