Nếu dịch Covid-19 không được khống chế sớm, thì các hãng hàng không sẽ là đối tượng thiệt hại trực diện và lớn nhất khi mùa cao điểm vận chuyển trong Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã cận kề.
Tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng” khi xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với lãnh đạo TP.HCM và các bộ, ngành liên quan tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Cho đến thời điểm hiện tại, với những thông tin khá tiêu cực về các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là mong đợi của các nhà đầu tư và nhân dân cả nước, để dịch bệnh không lây lan, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, sự kiện chính trị lớn của đất nước.
Trước đó, tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Covid-19, chỉ vài giờ sau khi ca nhiễm liên quan đến tiếp viên của Vietnam Airlines được công bố, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với những trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết), đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh.
Cần phải nói thêm rằng, gần đây, khi Covid-19 nóng trở lại trên thế giới, số người mắc mới ghi nhận từ các chuyến bay giải cứu tăng cao. Gần như ngày nào cũng ghi nhận bệnh nhân mới. Với nguy cơ tiềm tàng như vậy, chỉ từ một sơ suất rất nhỏ cũng có thể khiến dịch lây lan ra cộng đồng.
Có thể khẳng định, đợt lây nhiễm lần này xuất phát từ công tác quản lý, giám sát của Ban Quản lý khu cách ly tập trung Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines và cá nhân tiếp viên D.V.H đã vi phạm quy định cách ly khi tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị này sẽ phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý tất cả cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm.
Trên thực tế, nếu dịch Covid-19 không được khống chế sớm, thì các hãng hàng không sẽ là đối tượng thiệt hại trực diện và lớn nhất khi mùa cao điểm vận chuyển trong Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã cận kề. Trong trường hợp việc đi lại bằng đường hàng không bị tê liệt như tháng 7/2020, chắc chắn sẽ có hãng bay đối diện với nguy cơ phá sản. Đó là chưa kể, đây cũng là dịp làm ăn lớn nhất trong năm của hầu hết ngành hàng trong nước.
Bài học từ các đợt rò rỉ virus gây bệnh ra cộng đồng cho thấy, phải luôn chủ động, không chủ quan đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và triển khai sớm.
Ðặc biệt, phải kiên định nguyên tắc chống dịch đã đề ra. Đó là ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và duy trì phương châm bốn tại chỗ (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần).
Bên cạnh đó, là sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, mà đơn giản nhất là thực hiện hiệu quả khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Cả nước đang thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng công tác phòng, chống Covid-19 chắc chắn phải luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Nếu dịch bệnh lây lan thì sẽ khiến mọi nỗ lực trong phát triển kinh tế trở nên vô nghĩa. Quan trọng hơn, các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp phải nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân và cho chính cộng đồng.
Trong bối cảnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới và trong nước còn diễn biến khó dự báo, nếu không thực hiện đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phù hợp, thì ca bệnh tại cộng đồng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhất là thời tiết đông - xuân ở miền Bắc hieenj là môi trường dễ lây truyền vius gây hại.