Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và kinh tế của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, ông đang cảnh giác với tình trạng dư thừa nợ chính phủ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu có thể lan sang các tài sản khác.
Mặc dù thị trường vẫn chưa phải chịu ảnh hưởng của “bond vigilante”, mô tả các nhà đầu tư mong muốn lợi suất cao hơn đối với trái phiếu chính phủ để bù đắp cho lạm phát gia tăng, và đồng thời để buộc các quốc gia tránh xa sự phung phí tài chính.
"Các thị trường tài chính đang bắt đầu nhận ra rằng họ sẽ phải hấp thụ khối lượng nợ chính phủ ngày càng tăng này…Cần có thời gian để các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh chính sách và nếu họ đợi thị trường thức tỉnh thì sẽ quá muộn", ông cho biết trong báo cáo quý mới nhất của BIS vừa được công bố.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thâm hụt ngân sách chính phủ lớn cho thấy nợ công toàn cầu có thể tăng thêm hơn 30% vào năm 2028, lên tới gần 130.000 tỷ USD.
Hôm thứ Hai (9/12), quỹ trái phiếu PIMCO cho biết họ có kế hoạch đa dạng hóa rủi ro trái phiếu chính phủ bằng cách mua trái phiếu bên ngoài Mỹ, sau khi triển vọng về nợ chính phủ dài hạn của Mỹ đang bi quan do hồ sơ tài chính xấu đi.
Báo cáo của BIS cũng trích dẫn tình trạng bất ổn chính trị liên quan đến thâm hụt ngân sách của Pháp và chính sách tiền tệ mở rộng ở Nhật Bản là lý do cho "sự tái xuất hiện của các mối quan ngại về tài chính".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng khoảng 56 điểm cơ bản kể từ tháng 9, lên khoảng 4,22%.
Thị trường phần lớn đang dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này, nhưng báo cáo của BIS cho biết có sự mất cân bằng cung-cầu trên thị trường trái phiếu kho bạc, trong đó các đại lý nắm giữ số lượng kỷ lục trái phiếu chính phủ Mỹ chưa bán được.
Khi các nhà đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ phải đối mặt với hai mối nguy hiểm kép là cung vượt cầu và chi tiêu kích thích thúc đẩy lạm phát, có nhiều lý do để lo lắng hơn so với khi BIS cảnh báo về nợ của chính phủ vào đầu năm nay.
Ông Borio cho biết, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ có thể bảo vệ thị trường này khỏi sự gia tăng đột ngột của lợi suất trái phiếu trong một thời gian. "Nhưng điều đó có nghĩa là một khi các dấu hiệu cảnh báo xuất hiện, tác động đến nền kinh tế toàn cầu sẽ lớn hơn", ông cho biết thêm.
Bên cạnh đó, BIS lưu ý sự không chắc chắn ngày càng tăng về lãi suất toàn cầu sẽ ổn định như thế nào khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn kiên cường, được thúc đẩy bởi tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ.
Báo cáo lưu ý rằng các điều kiện tín dụng toàn cầu vẫn thoải mái và các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng Mỹ đã nới lỏng sau cuộc bầu cử ngày 5/11 trong khi cổ phiếu Phố Wall tăng giá mạnh.
BIS lưu ý rằng sự biến động cao hơn trên thị trường tiền tệ đã làm giảm động lực để các nhà giao dịch xây dựng lại vị thế sau sự sụp đổ mạnh mẽ của giao dịch chênh lệch lãi suất vào tháng 8 đã gây ra sự hỗn loạn trên khắp các thị trường thế giới.