BIS hối thúc các Ngân hàng Trung ương ngừng nới lỏng tiền tệ

BIS hối thúc các Ngân hàng Trung ương ngừng nới lỏng tiền tệ

(ĐTCK) Khi Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo trong năm 2003 rằng, sự mất cân đối nghiêm trọng đang tăng lên trong hệ thống tài chính quốc tế, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu tham dự Hội nghị chuyên đề Jackson Hole của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gạt chúng sang một bên.

Lời khuyên của Bill White và cấp phó của ông thời điểm đó và người hiện kế nhiệm ông, Claudio Borio, rằng hãy nâng lãi suất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế  khi đó đã không được để ý, do các nhà hoạch định chính sách đang tập trung hỗ trợ tăng trưởng.

Trong báo cáo thường niên 2014 của mình, phát hành hôm Chủ nhật vừa qua, BIS chỉ ra những mối nguy hiểm tương tự những gì đã nổi lên 5 năm trước, sau bài phát biểu tại Jackson Hole, khi sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers đẩy cả hệ thống tài chính đến bờ vực của sự đổ vỡ.

Các ngân hàng trung ương (NHTW) một lần nữa nhận được sự thúc giục của BIS về việc rút khỏi các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. “Rủi ro bình thường hóa chính sách quá muộn và quá chậm nên được đánh giá đúng mức”, báo cáo của BIS nói.

Nếu vin vào những áp lực chính trị và kinh tế để trì hoãn việc rút lui, đến một ngày, các NHTW sẽ nhận thấy mình bị giam cầm bởi những nỗi sợ về phản ứng “sốc” của thị trường, BIS cảnh báo.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế bình luận thêm: “Một vòng luẩn quẩn có thể xảy ra. Ở cuối vòng luẩn quẩn đó có lẽ là các thị trường, nhưng các thị trường cũng có thể phản ứng đầu tiên, nếu các thành viên thị trường bắt đầu nhận thấy các NHTW đang đứng ngoài xu hướng”.

Việc các NHTW, như Fed và NHTW Anh, có hay không nghe theo cảnh báo mới nhất của BIS là rất không rõ ràng.

BIS, có trụ sở tại Basel, Thụy Sỹ, được biết đến như là một ngân hàng của các NHTW - hầu hết các cơ quan tiền tệ lớn của thế giới đều lập tài khoản tại đây.

Nhưng quan điểm của BIS về nền kinh tế toàn cầu thường xuyên đối lập với nhiều trong số 60 NHTW trên thế giới. BIS đã nhiều lần cảnh báo các thành viên của mình rằng, phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng tài chính - cắt giảm lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục và triển khai các chương trình mua trái phiếu quy mô lớn - có rủi ro gieo mầm cho cuộc khủng hoảng tiếp theo, nếu nó không được đi kèm với những biện pháp cải cách cơ cấu kinh tế.

Việc quan điểm của BIS đối lập với các NHTW thành viên xuất phát từ sự khác biệt trong cách nhìn nhận nền kinh tế toàn cầu. Cách nhìn của BIS nhận được sự tán đồng của ông Borio và nhóm của nhà kinh tế trưởng này có xu hướng coi trọng các bảng cân đối tài sản. Các bảng cân đối này có thể cho thấy các xu hướng qua lăng kính là diễn biến của các điều kiện tín dụng.

BIS cho rằng, các nhà hoạch định chính sách đã lơ là việc kiểm soát các chu kỳ tài chính trong 15 - 20 năm qua, thay vào đó, chỉ chú trọng đến vòng đời 8 năm của chu kỳ kinh doanh.

Bằng cách phản ứng quá mạnh với những diễn biến ngắn hạn của sản lượng và lạm phát, các NHTW đang thai nghén những vấn đề lớn hơn. Điều đó có nghĩa, chính sách đang trở nên “bất cân xứng” - thiên về cứu vãn các hoạt động khỏi sự suy giảm hơn là cố gắng ngăn chặn bong bóng thị trường.

Những nguy cơ mới nhất mà BIS đề cập không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế phát triển, những nước dẫn đầu về sự hăng hái đối với các biện pháp nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa. Các tập đoàn ở một số thị trường mới nổi, bao gồm các thị trường châu Á và châu Mỹ La tinh, đã vay mượn rất nhiều trên các thị trường vốn thông qua các chi nhánh của họ ở nước ngoài, với cơ cấu nợ chủ yếu bằng ngoại tệ, theo nghiên cứu của BIS. Đây là khe hở cho một “cuộc tấn công giấu mặt” khi các công ty đối mặt với rủi ro mất nguồn tài trợ.

Một vài thị trường mới nổi đang chứa đựng những bong bóng tài chính “quá lớn”, có thể “nổ tung” bất cứ lúc nào. Các chỉ số cảnh báo sớm của BIS chỉ ra Trung Quốc nằm trong số những nước có rủi ro phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong nước, xuất phát từ khe hở giữa tín dụng và tăng trưởng.

Cảnh báo về rủi ro tài chính của BIS đưa ra 10 năm trước đã bị bỏ qua bởi các quan chức NHTW, trong đó có Alan Greenspan, người sau đó là Chủ tịch Fed. Người kế nhiệm ông, Ben Bernanke, nói rằng, bài học của Nhật Bản - lạm phát quá thấp và tăng trưởng đình đốn - đã cho thấy chi phí đi vay cao hơn không phải là cách để chọc thủng các bong bóng giá tài sản.

Tuy nhiên, thời gian đã chứng tỏ lo ngại của BIS hồi năm 2003 là đúng. Và nếu cảnh báo lần này lại đúng, có lẽ bầu không khí tài chính hiện tại chỉ là… sự im lặng trước cơn bão.

Tin bài liên quan