Dữ liệu kinh tế toàn cầu đã bắt đầu cho thấy một xu hướng rõ ràng rằng lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ - do sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 và giá năng lượng tăng vọt - đang ở phía sau.
Thị trường tiền tệ đang định giá cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản vào năm tới, đồng thời đã chuyển thời gian dự kiến của những động thái cắt giảm đầu tiên sang nửa đầu năm 2024.
Claudio Borio, người đứng đầu đơn vị kinh tế và tiền tệ của BIS cho biết: “Triển vọng đã được cải thiện nhưng điểm quan trọng mà chúng tôi phải ghi nhớ là chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và công việc phải được thực hiện”.
Các ngân hàng trung ương đang chứng tỏ sự tập trung trong việc giảm lạm phát, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn cần phải "linh hoạt và nhanh nhẹn" nếu nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại yêu cầu điều đó.
Báo cáo hàng quý từ BIS đã xem xét một số vấn đề cụ thể đang nổi lên trong nền tài chính toàn cầu. Một trong số đó là một góc của thị trường tín dụng tiêu dùng được gọi là mua ngay trả sau (BNPL) vốn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
BIS cho biết, lĩnh vực này vẫn còn tương đối nhỏ và không có mối đe dọa đối với hệ thống tài chính nói chung, nhưng đã phát triển mạnh nhờ lãi suất rất thấp.
Ông Claudio Borio cũng nhắc lại rằng kỷ nguyên lãi suất cực thấp đã bị "bỏ lại phía sau", mặc dù rõ ràng đang có một cuộc giằng co về việc thị trường và các ngân hàng trung ương cho rằng lãi suất sẽ bắt đầu ổn định ở đâu.
“Các ngân hàng trung ương nhận thức rõ những rủi ro và họ sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cần thiết để giảm lạm phát… Chúng ta sẽ xem chính xác điều đó sẽ phải kéo dài bao lâu", ông cho biết.
BIS cho biết, trong giai đoạn lãi suất đặc biệt thấp, nhiều công ty đã vay mượn với những điều kiện thuận lợi và xây dựng vùng đệm thanh khoản để họ có thể tránh phải tái cấp vốn với lãi suất vay cao hiện nay.
“Căng thẳng trên thị trường tín dụng doanh nghiệp có thể còn ở phía trước… Một lượng nợ đáng kể sẽ đến hạn trong vài năm tới và sẽ cần được tái cấp vốn với lãi suất cao hơn đáng kể. Các doanh nghiệp nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương trước kịch bản như vậy”, báo cáo cho biết
BIS đã xem xét 83.000 công cụ nợ do hơn 18.000 công ty ở 53 quốc gia phát hành để đánh giá nhu cầu đảo nợ.
Theo BIS, cho tới năm 2026, nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ có các khoản nợ sắp đáo hạn và sẽ phải tái cấp vốn "vượt quá 10% tổng doanh thu hàng năm và gấp hơn 4 lần EBITDA hàng năm”.
Mặc dù nhu cầu tái cấp vốn trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp quy mô trung bình sẽ ít hơn, nhưng các khoản tái cấp vốn cũng sẽ chiếm khoảng 10% doanh thu hàng năm. Trong khi nhu cầu tái cấp vốn của các doanh nghiệp lớn thấp hơn, vào khoảng 3% doanh thu hàng năm.
“Chúng ta đang ở giai đoạn lạm phát đang giảm. Hiện tại, thách thức mà các ngân hàng trung ương gặp phải về cơ bản là quyết định xem phải làm gì tiếp theo”, ông Claudio Borio cho biết.