Trong báo cáo đầu tiên về lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng, BIS cho biết, các nhà hoạch định chính sách cần khai thác sức mạnh to lớn của mình để giám sát dữ liệu theo thời gian thực nhằm tăng cường khả năng dự đoán lạm phát.
BIS cho biết, AI có khả năng trở thành “người thay đổi cuộc chơi trong nhiều hoạt động và có tác động sâu sắc” đến nền kinh tế và hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
Đó là điều được cho là vô cùng quan trọng sau khi đại dịch Covid xuất hiện và sau đó là xung đột Nga-Ukraine khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương lớn khác đều không nắm bắt được sức mạnh của làn sóng lạm phát trên toàn cầu.
Cecilia Skingsley, quan chức hàng đầu của BIS cho biết, các mô hình AI mới sẽ giảm nguy cơ lặp lại mặc dù bản chất chưa được kiểm chứng của chúng và thực tế là chúng có thể là "ảo giác".
“Chúng tôi muốn con người phải chịu trách nhiệm… Vì vậy, tôi thực sự không thể nhìn thấy tương lai mà AI sẽ ấn định lãi suất”, ông cho biết khi đề cập đến vai trò quan trọng của chi phí đi vay trong xã hội.
BIS đã có 8 dự án liên quan đến AI.
Hyun Song Shin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và cố vấn kinh tế hàng đầu của BIS cho biết, các nhà hoạch định chính sách không nên xem AI là "thứ gì đó kỳ diệu", tuy nhiên AI có thể giúp “mò kim đáy bể” và phát hiện các lỗ hổng trong hệ thống tài chính.
Công nghệ này cũng có khả năng định hình lại hoàn toàn thị trường lao động, tác động đến năng suất và tăng trưởng kinh tế. Việc áp dụng rộng rãi AI có thể khiến các công ty điều chỉnh giá nhanh hơn để ứng phó với những thay đổi kinh tế vĩ mô kèm theo hậu quả là lạm phát.
“Các ngân hàng trung ương cần phải nâng cao hoạt động của mình”, báo cáo cho biết.
Fed đã bắt đầu xem xét cách họ có thể sử dụng AI trong các hoạt động của mình, nhưng các quan chức Fed đang tiến hành một cách thận trọng và chưa xem xét việc sử dụng nó trong bất kỳ công việc chính sách nào ở giai đoạn này.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho biết rằng họ đang sử dụng AI “để hỗ trợ và nâng cao” khả năng của mình, chẳng hạn như cố gắng dự đoán tăng trưởng kinh tế, khó khăn của ngành ngân hàng và khủng hoảng tài chính.
Tờ Financial Times tiết lộ gần đây rằng, ECB đã bắt đầu sử dụng AI để tăng tốc nhiều hoạt động từ soạn thảo các cuộc họp giao ban và tóm tắt dữ liệu ngân hàng đến viết mã phần mềm và dịch tài liệu.
BIS cho biết có những giới hạn về mức độ công nghệ có thể thay thế con người trong các ngân hàng trung ương. “Mặc dù nó có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi khả năng nhận thức vừa phải và thậm chí phát triển các khả năng nổi bật, nhưng nó vẫn chưa thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi suy luận và phán đoán logic”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, BIS đã xác định một số lĩnh vực mà các ngân hàng trung ương có thể hưởng lợi từ AI, chẳng hạn như hệ thống “nowcasting” để quét lượng lớn dữ liệu thời gian thực nhằm phát hiện sự gia tăng rủi ro tài chính hoặc dự đoán suy thoái.
Các ứng dụng khác bao gồm phát hiện hoạt động rửa tiền. BIS cho biết Dự án Aurora đã thử nghiệm khả năng phát hiện tiền bẩn trong dữ liệu thanh toán của AI và nhận thấy “các mô hình máy học vượt trội hơn các phương pháp dựa trên quy tắc truyền thống phổ biến ở hầu hết các khu vực pháp lý”.
Tuy nhiên, BIS cảnh báo công nghệ này cũng tiềm ẩn những rủi ro, chẳng hạn như khi các mô hình AI bị hỏng do “các cuộc tấn công đầu độc dữ liệu” và khiến chúng dễ bị thao túng. BIS cho biết thêm việc sử dụng rộng rãi AI có thể dẫn đến sự thiên vị và phân biệt đối xử, gây ra các vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu và dẫn đến sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp mô hình lớn.
Cũng có thể có rủi ro về ổn định tài chính nếu một số lượng lớn các tổ chức tài chính sử dụng cùng một thuật toán. Nó “có thể khuếch đại tính thuận chu kỳ và biến động thị trường bằng cách làm trầm trọng thêm tâm lý bầy đàn, tích trữ thanh khoản, tháo chạy và bán tháo”.