BIS: 24 ngân hàng trung ương sẽ có tiền kỹ thuật số vào năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong một cuộc khảo sát được công bố vào thứ Hai (10/7), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, khoảng 24 ngân hàng trung ương dự kiến đưa các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương vào lưu thông vào cuối thập kỷ này.
BIS: 24 ngân hàng trung ương sẽ có tiền kỹ thuật số vào năm 2030

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã nghiên cứu và làm việc trên các phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ pháp định để sử dụng cho mục đích bán lẻ nhằm tránh việc các khoản thanh toán kỹ thuật số cho khu vực tư nhân trở nên quá chi phối trong bối cảnh tiền mặt ngày càng giảm. Một số ngân hàng trung ương cũng đang xem xét các phiên bản bán buôn cho các giao dịch giữa các tổ chức tài chính.

Hầu hết các loại tiền kỹ thuật số mới của ngân hàng trung ương (CBDC) sẽ xuất hiện trong thị trường bán lẻ, các ngân hàng trung ương khác có thể tham gia cùng các ngân hàng trung ương ở Bahamas, Đông Caribe, Jamaica và Nigeria trong việc triển khai CBDC.

BIS cho biết, về khía cạnh bán buôn, trong tương lai có thể cho phép các tổ chức tài chính tiếp cận các chức năng mới nhờ vào công nghệ tokenization (mã hoá kỹ thuật số), theo đó 9 ngân hàng trung ương có thể tung ra CBDC.

“Tăng cường thanh toán xuyên biên giới là một trong những động lực chính trong công việc của các ngân hàng trung ương đối với CBDC bán buôn”, báo cáo của BIS cho biết.

Vào cuối tháng 6, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cho biết, sẽ phát hành CBDC bán buôn trên sàn giao dịch kỹ thuật số của Thụy Sĩ như một phần của chương trình thí điểm, trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sắp bắt đầu thí điểm đồng euro kỹ thuật số trước khi có thể ra mắt vào năm 2028. Thử nghiệm thí điểm ở Trung Quốc hiện đạt 260 triệu người và hai nền kinh tế mới nổi lớn khác là Ấn Độ và Brazil đã có kế hoạch tung ra các loại tiền kỹ thuật số vào năm tới.

BIS cũng cho biết, tỷ lệ các ngân hàng trung ương trong cuộc khảo sát tham gia vào một số hình thức liên quan tới CBDC đã tăng lên 93%, trong đó có 60% cho biết sự xuất hiện của stablecoin và các loại tiền điện tử khác đã đẩy nhanh công việc này.

“Có một sự khác biệt rõ ràng đã xuất hiện. Vào năm ngoái, một số ngân hàng trung ương có nhiều khả năng phát hành CBDC hơn trong vòng ba năm tới, trong khi những ngân hàng khác cho thấy ít có khả năng làm như vậy hơn”, báo cáo cho biết.

Ngoài ra, khoảng thời gian 18 tháng qua đã chứng kiến sự hỗn loạn trên thị trường tiền điện tử, bao gồm sự thất bại của TerraUSD vào tháng 5/2022, sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào tháng 11 và sự phá sản của các ngân hàng như Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào tháng 3 năm nay.

Mặc dù những tiến triển này không có tác động lớn đến thị trường tài chính truyền thống, nhưng chúng đã dẫn đến việc bán tháo nhiều loại tiền điện tử.

Cuộc khảo sát của BIS với 86 ngân hàng trung ương cũng cho thấy gần 40% cho biết ngân hàng trung ương của họ hoặc các tổ chức khác trong khu vực tài phán của họ gần đây đã thực hiện một nghiên cứu về việc sử dụng stablecoin và các loại tiền điện tử khác giữa người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp.

Báo cáo của BIS cho biết: “Nếu được sử dụng rộng rãi để thanh toán, các loại tiền điện tử bao gồm cả stablecoin có thể tạo thành mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính”.

Tin bài liên quan