Vốn lớn cho dự án du lịch
Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, trong Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế.
Ngay từ quý I/2023, Bình Thuận công bố đón nhận dòng vốn kỷ lục hơn 450.000 tỷ đồng (tương đương 19 tỷ USD) đến từ 22 dự án. Trong đó, những dự án du lịch nghỉ dưỡng giải trí hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất. Một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư kỳ vọng, đó là tỉnh được quy hoạch nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quy hoạch sân bay Phan Thiết.
Là doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Thuận, tập trung vào lĩnh vực bất động sản nhà ở và bất động sản du lịch, đại diện DKRA đánh giá, Bình Thuận là tỉnh có rất nhiều lợi thế, với nhiều bãi biển đẹp.
Cùng chung nhận định, ông Phạm Tuấn Sơn, Chủ tịch Babylons Group cho rằng, Bình Thuận thu hút đầu tư nhất là lĩnh vực du lịch, khi hạ tầng giao thông với đường cao tốc và sân bay giúp thay đổi lớn bộ mặt tỉnh này.
“Thời gian gần đây, Bình Thuận thu hút rất đông khách du lịch, phần lớn khách từ TP.HCM, bởi từ TP.HCM, chỉ với thời gian 2 giờ đã tới Bình Thuận, du khách sẽ được tận hưởng không gian bao la của những bãi biển lộng gió, những bãi cát dài, lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ”, ông Sơn nói.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế.
Trên thực tế, Bình Thuận liên tục đón dòng vốn đầu tư các dự án ven biển nhằm phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao cả số lượng lẫn chất lượng. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, trong giai đoạn 2011 - 2023, tỉnh đã chấp thuận đầu tư 56 dự án du lịch ven biển. Nhiều chủ đầu tư lớn đã hiện diện tại thị trường này với những dự án hàng trăm héc-ta như Novaland rót 5 tỷ USD với Khu đô thị kinh tế du lịch giải trí NovaWorld Phan Thiết (1.000 ha); NamGroup với Dự án Thanh Long Bay - trung tâm thể thao biển lớn nhất tỉnh.
Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, phát triển du lịch dọc ven biển TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân như APEC Mandala Wyndham Mũi Né, Mũi Né Summerland…
Mới đây nhất, Becamex IDC cũng xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận với Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hàm Tân - La Gi, quy mô 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Kiến Phát đầu tư khu đô thị du lịch, nghệ thuật, văn hóa và thể thao với diện tích 45 ha, tổng vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng.
Đặc biệt, dự án có quy mô lớn nhất là Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khu đô thị mới của Công ty TNHH Mặt trời Bình Thuận. Diện tích sử dụng đất khoảng 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư, được kỳ vọng rất lớn trong tiến trình đưa ngành kinh tế xanh của Bình Thuận vươn tầm khu vực.
Được mệnh danh là đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam, hiện tuyến đường ven biển có chiều dài 14 km, đi qua TP. Phan Thiết, kết nối với các điểm du lịch dọc bờ biển của Phan Thiết vừa được UBND tỉnh đề xuất xây dựng với tổng vốn dự kiến 7.600 tỷ đồng và đang gấp rút triển khai.
Định hướng đa dạng mô hình dựa trên lợi thế biển
Năm 2023, lần đầu tiên, Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so với năm 2022). Bình Thuận cũng trở thành một trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước (doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng).
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu, giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”, với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh (một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Phát triển, đa dạng hóa những sản phẩm du lịch chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển. Thu hút đầu tư các dự án tổ hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao, casino. Hình thành và phát triển một số trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, mua sắm, giải trí quy mô lớn, hiện đại tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch trọng điểm tiềm năng của tỉnh.
Hình thành liên kết phát triển du lịch theo chiều dọc (hướng Bắc - Nam) gắn với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Liên kết phát triển du lịch theo chiều ngang (hướng Đông - Tây) nối các khu du lịch với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Liên kết các tuyến du lịch với các địa phương trong vùng, liên vùng và cả nước; đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch quốc tế.
Từ nay đến năm 2025, Bình Thuận sẽ thực hiện thí điểm phát triển mô hình dịch vụ, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực dọc hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu, từ Khu du lịch Cà Ty đến Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né (phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết).
Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Novaland cho biết, với Tổ hợp NovaWorld Phan Thiết, doanh nghiệp sẽ nỗ lực đồng hành với Đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh Bình Thuận, với sự có mặt đầy đủ các hoạt động thương mại và dịch vụ, văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch vào ban đêm.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng lên phương án kết hợp chặt chẽ du lịch với y tế. Phát triển một số dịch vụ y tế chất lượng cao kết hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe trở thành dịch vụ mũi nhọn.
Ngoài ra, đáp ứng xu hướng thân thiện với môi trường thiên nhiên, Bình Thuận đang phát triển các loại hình du lịch xanh như cắm trại, chèo thuyền, leo núi, vượt thác, câu cá ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Phú Quý, du lịch sinh thái Bình An farm. Đây cũng là cách kết hợp nâng cao hai mũi nhọn kinh tế của tỉnh là du lịch và nông nghiệp.