Rác thải biển đang gây ra mối lo ngại chung cho cộng đồng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Rác thải biển đang gây ra mối lo ngại chung cho cộng đồng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bình Thuận công bố dự án giảm thiểu rác thải đại dương

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” tại Bình Thuận đã chính thức được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Thuận và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố ngày 3/11.

Dự án này nhằm cải thiện, nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn của cộng đồng người dân, doanh nghiệp hoạt động trên biển cùng với chính quyền và các tổ chức xã hội thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, huyện Phú Quý và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận;

Đồng thời, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy (tiến tới không sử dụng túi ni lông và đồ nhựa sử dụng một lần) thông qua việc triển khai các chính sách, hoạt động để giảm thiểu rác thải từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển ra môi trường.

Dự án sẽ được thực hiện trong 24 tháng tại huyện Phú Quý, Tuy Phong và thành phố Phan Thiết. Dự án này là một phần của dự án lớn hơn do Bộ Ngoại giao Na Uy hỗ trợ mang tên “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” (DWP5C) được triển khai tại 5 địa điểm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương.

Dự án sẽ tiến hành thực hiện 7 mô hình gồm: Mô hình Tàu cá tại cảng Phan Thiết của thành phố Phan Thiết, cảng Liên Hương và tàu du lịch (từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra đảo Hòn Cau) của huyện Tuy Phong;

Mô hình Tuyến đường công dân toàn cầu ven biển Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết (từ đầu tuyến đường đến Khu du lịch Hoàng Ngọc, chiều dài khoảng 6km với khoảng 200 cơ sở, hộ dân) phân loại rác tại nguồn và không rác thải nhựa đại dương;

Mô hình Khu dân cư tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong tham gia thu gom rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương;

Mô hình tiếp cận xây dựng Kế hoạch quản lý tổng hợp rác thải và không rác thải nhựa đại dương tại Tuy Phong;

Mô hình Nhóm thu gom nhựa tái chế (ve chai) dựa trên phân loại rác thải tại nguồn để cải thiện sinh kế cho người dân tại huyện Phú Quý;

Mô hình kinh tế tuần hoàn và phân loại rác thải tại Trường THPT Ngô Quyền, huyện Phú Quý; và Mô hình khu dân cư thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý thu gom phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, việc thực hiện dự án này rất quan trọng trong việc thúc đẩy các hành động của địa phương đối với Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý Chất thải Biển.

Dự án này cũng sẽ áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp chất thải kết hợp và thực hiện nhiều mô hình cũng như sẽ nâng cao vai trò quan trọng của khối phi chính thức, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và đối tác mạnh mẽ giữa khối phi chính thức và chính thức trong quản lý chất thải.

Tin bài liên quan