Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư.

Bình Phước mời gọi đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Phước mời gọi đầu tư hàng loạt dự án về hạ tầng như sân bay lưỡng dụng, khu công nghiệp, các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Xây sân bay quy mô 500 ha

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Phước, cuối tháng 2/2021, sở này đã cùng đơn vị tư vấn báo cáo UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện lập Dự án sân bay Técníc Hớn Quản.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đơn vị chuyên môn đã tiến hành khảo sát vị trí xây dựng sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, Bình Phước là tỉnh biên giới và đang hướng đến là một trung tâm phát triển công nghiệp - năng lượng, do vậy, việc có một sân bay lưỡng dụng có vai trò đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư. Công tác lập quy hoạch sân bay Técníc Hớn Quản sẽ hoàn thành trong tháng 3/2021, có kết quả báo cáo để đề nghị với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải, cùng các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ.

Hồi tháng 1/2021, trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Bình Phước, tỉnh này đã đề xuất, xin ý kiến xây dựng sân bay lưỡng dụng Técníc Hớn Quản, diện tích 400 - 500 ha, theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Cũng liên quan đầu tư hạ tầng giao thông, Bình Phước có kế hoạch chuẩn bị đầu tư một loạt dự án hạ tầng giao thông lớn, như đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông, Ðồng Phú - Bình Dương; đường sắt Dĩ An - Hoa Lư; Quốc lộ 14C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp tuyến đường ÐT 753 kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành. Dự án này khi được thực hiện sẽ gỡ nút thắt để Bình Phước kết nối với sân bay Long Thành, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả khu vực.

Mời gọi đầu tư dự án trọng điểm

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, mới đây, tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, sẽ có 80 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn, với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD.

Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó, 8 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, ngoài việc kêu gọi đầu tư các KCN mới, Bình Phước có kế hoạch mời gọi đầu tư hạ tầng 21 cụm công nghiệp nhằm đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển đến Việt Nam.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương mở rộng các KCN trên địa bàn tỉnh như Minh Hưng III (577 ha), Bắc Ðồng Phú (317 ha), Nam Ðồng Phú (480 ha), Minh Hưng - Sikico (1.000 ha).

Ngoài ra, Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tổng diện tích hơn 28.300 ha, có tuyến giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan, trong đó, hơn 3.500 ha ở khu vực trung tâm đã đi vào hoạt động.

Trước đây, phần lớn doanh nghiệp đến Bình Phước đầu tư các lĩnh vực da giày, dệt may - nhuộm… Tuy nhiên, hiện nay, các lĩnh vực đầu tư đa dạng hơn, với sự xuất hiện của nhiều dự án công nghiệp sản xuất, chế biến chuyên sâu, công nghiệp điện - năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Phước ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư.

Chẳng hạn, mời gọi đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp thiết bị điện - điện tử có diện tích đất 10 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng/dự án; nhà máy sản xuất thiết bị, phụ tùng có diện tích đất 10 ha, vốn đầu tư 350 tỷ đồng/dự án…

Hay kêu gọi đầu tư nhà máy dệt và hoàn tất vải có diện tích đất 5 ha, vốn đầu tư 15 triệu USD/dự án; nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành da giày có diện tích 10 ha, vốn đầu tư 25 triệu USD/dự án…

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Ðể thực hiện mục tiêu đó, Bình Phước sẽ tiếp tục thu hút đầu tư dựa trên chất lượng, giá trị gia tăng cũng như công nghệ sử dụng của dự án; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong năm qua, tỉnh Bình Phước đã thu hút 120 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký 12.000 tỷ đồng, tăng 17%; 36 dự án FDI, vốn đăng ký 432 triệu USD, bằng 96% so với năm 2019.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 272 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,7 tỷ USD.

Tin bài liên quan