Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới tham quan Nhà máy nước Tân Hiệp 2 công suất 30.000 m3/ngày, đêm do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn xây dựng, bảo đảm cung cấp nước sạch cho Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã có buổi tiếp, làm việc với đoàn công tác của World Bank (WB) do ông Wempi Saputra, Giám đốc Điều hành Văn phòng nhóm WB làm trưởng đoàn.
Bình Dương sử dụng ODA hướng đến phát triển bền vững
Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh với quy mô xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất giai đoạn I là20.000 m³/ngày, đêm tại TP.Tân Uyên; xây dựng nâng công suất của các nhà máy xử lý nước thải hiện hữu tại TP.Thuận An và TP.Dĩ An với công suất xử lý bổ sung 20.000 m³/ ngày, đêm cho TP.Thuận An và 20.000 m3/ngày,đêm cho TP.Dĩ An
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Bình Dương đã sử dụng hiệu quả vốn vay ODA cho công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dành đã thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong số những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thu hút 974 triệu USD gồm 44 dự án mới, 22 dự án điều chỉnh tăng vốn và 68 dự án góp vốn mua cổ phần.
Theo ông Nguyễn Văn Dành, thời gian qua tỉnh đã tận dụng, phát huy hiệu quả các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Cụ thể, dự án cải thiện môi trường nước tỉnh đã phê duyệt chủ trương với tổng giá trị vốn hơn 310 triệu USD, trong đó vốn vay WB 230 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách tỉnh 80 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương đang được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép và ủy quyền đàm phán ký hiệp định với nhà tài trợ WB.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Wempi Saputra cho biết, quan điểm của WB là sẽ ưu tiên tài trợ cho các dự án mang tính bền vững, bảo vệ môi trường. “Tôi tin tưởng, sau kết quả làm việc giữa WB và Chính phủ cùng các bộ ngành cũng như tỉnh Bình Dương, cả hai bên sẽ phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương do WB tài trợ sẽ được ký kết, triển khai trong thời gian sớm nhất”.
Ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cho biết; Thông qua các nguồn vốn ODA được bảo lãnh của Chính phủ và không qua bảo lãnh Biwase đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích phục vụ cho các dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân vùng sâu, vùng xa, đồng thời thực hiện các dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hiện, Biwase đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về mặt bằng thi công, trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực để sẵn sàng triển khai thi công các dự án liên quan.
Hiện vẫn có một số vướng mắc việc triển khai các dự án tài trợ về thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay kéo dài. Một số dự án chưa thể triển khai các bước tiếp theo do chưa được sự thống nhất từ các đơn vị tài trợ như dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực TX.Bến Cát. Tỉnh đã đề xuất cần quan tâm, hỗ trợ thực hiện dự án từ chương trình tín dụng đầu tư công (PIF) Phần Lan. Dự án nói trên sẽ góp phần chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương.
Các dự án ngành nước tại Bình Dương là điển hình tài trợ vốn của WB
Ông Wempi Saputra cho biết thời gian qua liên quan việc triển khai các dự án do WB tài trợ vốn vẫn có một số vướng mắc, đây là nguyên nhân khiến dự án tài trợ vốn để cải thiện môi trường nước cho tỉnh Bình Dương chưa đạt được tiến độ.
Cũng theo ông Wempi Saputra, hiện các nước phát triển đang cần nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế - xã hội. WB có thế mạnh có thể phân tích khả năng, đề xuất các dự án liên quan, đồng thời mong muốn hai bên cần tiếp tục thảo luận để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Riêng các dự án ngành nước, WB rất coi trọng và xem đây là vấn đề thách thức toàn cầu. Vì vậy, các dự án về nước tại Bình Dương là một điển hình để WB có thể xem xét tài trợ vốn.
Các dự án triển khai nhằm mục tiêu chung là kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ cải thiện chất lượng nước thải, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Lâm Minh Kỳ, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh cho biết, dự án cải thiện môi trường nước tỉnh sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra tại một số khu vực thuộc Nam Bình Dương, gồm: TP.Tân Uyên, TP.Thuận An và TP.Dĩ An. Xây dựng mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt cho khoảng 54.000 hộ gia đình. “Hiện dự án đang chuẩn bị đàm phán hiệp định với nhà tài trợ WB. Đồng thời đang tiến hành kiểm kê, đo đạc giải phóng mặt bằng Nhà máy Xử lý nước thải Tân Uyên tại phường Uyên Hưng. Dự kiến trong năm 2023 sẽ thu hồi đất khoảng 7,6 ha với 27 hộ dân”, ông Kỳ nói.