Nỗ lực hóa giải thách thức
Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, với số ca nhiễm và tử vong cao. Gần 4 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch khiến hầu hết các dự án đầu tư công tại Bình Dương rơi vào cảnh đình đốn và hệ lụy không thể tránh khỏi là tỷ lệ giải ngân cho tới cuối tháng 9/2021 chỉ ở con số khiêm tốn là 30%.
Tỷ lệ giải ngân thấp khiến chính quyền tỉnh Bình Dương và các chủ đầu tư sốt ruột, áp lực rất lớn đặt ra cho 3 tháng cuối năm là phải tăng tốc giải ngân để đạt tỷ lệ cao nhất nhằm kích thích kinh tế phục hồi, đồng thời không để vốn công khê đọng lớn khiến “đoàn tàu” dồn toa, vừa không tạo được động lực, vừa gây áp lực đè nặng cho các năm kế tiếp của kế hoạch đầu tư trung hạn.
Ngay khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, cơ quan hữu trách và các chủ đầu tư ở Bình Dương nhanh chóng tái khởi động việc thi công xây dựng các dự án chuyển tiếp, gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư nhóm dự án khởi công mới, đồng thời rốt ráo chuẩn bị hàng loạt dự án thuộc nhóm chuẩn bị đầu tư cho năm bản lề kế tiếp.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư trong những ngày đầu sau giãn cách xã hội tại nhiều công trình xây dựng như Bệnh viện đa khoa 1.500 giường, Bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Rạch Tre đến Thị ủy thị xã Tân Uyên (giai đoạn II), Tuyến kênh thoát nước số 2 thuộc Dự án Hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào các khu công nghiệp An Tây, Mai Trung, Việt Hương II (thị xã Bến Cát), Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương (giai đoạn II), Trường tiểu học Định Hòa 2… cho thấy các nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân công cao nhất, đẩy nhanh thi công để bù lại tiến độ bị trễ do dịch.
Trong năm 2021, tổng số vốn tỉnh Bình Dương cần giải ngân là hơn 13.546 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công năm 2020 chuyển sang năm 2021 là 1.250 tỷ đồng cho 28 dự án; vốn đầu tư công năm 2021 hơn 12.296 tỷ đồng cho 391 dự án. Tính tới hết tháng 9/2021, các chủ đầu tư mới giải ngân được khoảng 4.105 tỷ đồng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, kế hoạch vốn đầu tư công cần giải ngân trong các tháng cuối năm còn rất lớn, khoảng 9.441 tỷ đồng. Song theo ước tính của địa phương thì tỷ lệ giải ngân đầu tư công của tỉnh năm 2021 chỉ khoảng 78,2% và 77,6% kế hoạch, tương ứng với 2 nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Các chủ đầu tư cũng phản ánh các tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách và “kinh điển” là về giải phóng mặt bằng và mong sớm khắc phục những vấn đề này.
Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, tỉnh đã rất cố gắng trong đơn giản hóa các thủ tục. Để hóa giải thách thức, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, tỉnh đốc thúc chủ đầu tư tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án để triển khai ngay khi hết giãn cách xã hội, đẩy mạnh giải ngân, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả đồng vốn. Cùng với đó, Bình Dương tăng cường kỷ cương, kỷ luật giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Địa phương này cũng triển khai mạnh mẽ hoạt động của Tổ kiểm tra giám sát công tác đầu tư công và Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm của tỉnh.
“Từng dự án được lập kế hoạch giải ngân chi tiết. Các chủ đầu tư, nhà thầu sẽ bám sát kế hoạch để tổ chức thực hiện, nhất là các dự án trọng điểm có vốn lớn. Lãnh đạo cơ quan hữu trách được phân công trực tiếp phụ trách từng dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp triển khai trôi chảy và giải ngân nhanh”, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh nói và cho biết thêm, Bình Dương cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý thủ tục đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, kiểm soát cho vốn trong nước bằng chứng thư điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn…
Cũng theo vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì công tác lập, thẩm định, phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và kết thúc dự án được tỉnh Bình Dương tăng cường bằng hình thức trực tuyến. Công tác lựa chọn nhà thầu cũng được đấu thầu rộng rãi thông qua Hệ thống đấu thầu quốc gia. Các giải pháp này đều hướng tới mục tiêu giảm thời gian ngắn nhất.
Nâng cao chất lượng kế hoạch trung hạn
Mặc dù nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công phần nhiều đến từ yếu tố khách quan, song nếu lượng vốn khê đọng nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực thi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do vậy, UBND tỉnh Bình Dương đặt vấn đề phải nâng cao chất lượng giải ngân.
Cụ thể, Bình Dương ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, mang tính động lực, liên kết vùng. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư trước, mang tính khơi thông và dẫn dắt các dòng vốn ngoài nhà nước khác. Ưu tiên kế tiếp là đầu tư hoàn thiện hệ thống y tế tuyến tỉnh, huyện và các công trình giáo dục nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Nhằm nâng cao chất lượng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương đã rà soát kỹ, đề xuất giảm số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới. Cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ những dự án chưa cấp thiết để tập trung vốn cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, các dự án quy mô lớn và có khả năng sớm hoàn thành, tăng hiệu quả vốn đầu tư.
Tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025 là hơn 49.562 tỷ đồng, bố trí cho 450 dự án. Trong đó, một số dự án hạ tầng trọng điểm có kết nối vùng được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn tới đây như: cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai; đường và cầu kết nối hai tỉnh Bình Dương - Tây Ninh; đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương)…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự báo thời gian tới, công tác đầu tư công của Bình Dương vẫn sẽ gặp nhiều thách thức. Ngoài vấn đề Covid-19, thì những vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là nút thắt, ảnh hưởng lớn đến tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án. Kế đến là nguồn vốn nhiều khả năng vượt quá khả năng cân đối của tỉnh. Bởi nhiều dự án quan trọng quốc gia như đường Vành đai 3, 4 TP.HCM (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành khi hoàn tất giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ cần lượng vốn rất lớn để thực hiện. Dự kiến các dự án vừa nêu chiếm đến 90% tổng nguồn vốn đầu tư công của Bình Dương. Trong khi đó, cơ chế huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư và phương thức PPP chưa thể vận dụng trơn tru.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh cho biết, giải bài toán cân đối vốn là then chốt nhằm nâng chất lượng và khả năng thực thi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu, đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương này đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác quy hoạch để làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Đặc biệt là tạo tiền đề quan trọng cho kế hoạch thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Tỉnh Bình Dương đã xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư với khoảng 153.000 tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và giáo dục đào tạo. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi để tăng tính hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tham gia.
“Tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát các công trình, dự án trọng điểm để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, khâu rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về đầu tư công cũng luôn được chú trọng. Trong đó tập trung giải quyết triệt để những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện”, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh nói.
Để triển khai tốt nhất kế hoạch đầu tư công trung hạn, tới đây, Bình Dương sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp căn cơ, đó là các nhóm giải pháp về thủ tục; giải pháp về chỉ đạo, điều hành phối hợp; giải pháp về chế tài, kiểm tra giám sát; giải pháp về huy động vốn.