Trên tinh thần đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex (Becamex IDC) chủ động nghiên cứu phát triển Dự án Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước. Đến ngày 14/9/2015, UBND tỉnh Bình Phước và Becamex đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - đô thị này. Đến dự có đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư và đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước.
Khu liên hợp công nghiệp - đô thị lớn nhất nước
Với diện tích trên 4.600 ha, vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I triển khai 2.500 ha cho việc xây dựng, phát triển các khu công nghiệp; giai đoạn II phát triển khu đô thị - dịch vụ.
Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước được quy hoạch bởi đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản, với tính năng động vượt trội, xanh, sạch, đẹp và bền vững, được xây dựng trên nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại như đường giao thông, điện, cấp - thoát nước, viễn thông, xử lý nước thải, công viên cây xanh, quảng trường, hồ sinh thái… Thêm vào đó là các công trình dịch vụ y tế, giáo dục, các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, các khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, các trung tâm văn hóa, thể thao, sức khỏe cộng đồng, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân và nhà đầu tư sinh sống và làm việc tại đây.
Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 200.000 lao động trực tiếp trong khu công nghiệp, dân cư; góp phần nâng cao đời sống, điều kiện sinh hoạt của người dân địa phương, cải tạo cảnh quan kiến trúc, chỉnh trang đô thị tại khu vực và phát triển các dịch vụ. Dự án sẽ tạo động lực chính để hình thành TP. Chơn Thành trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Becamex cho biết, Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước nằm ở vị trí đắc địa của tỉnh Bình Phước, ngay trung tâm huyện Chơn Thành, rất thuận lợi trong việc kết nối với tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên thông qua trục đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 13 và tuyến đường sắt dự kiến Lộc Ninh - Sóng Thần. Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước, dự kiến thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Ngay tại lễ khởi công đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Kaiser, Công ty Grand Art và Công ty Fu Ang, ký kết thuê 150 ha đất xây dựng các trung tâm đầu mối sản xuất nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, công nghiệp phụ trợ cho ngành trang trí nội thất, gỗ gia dụng, cơ khí, điện tử và may mặc, cung cấp cho toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Hùng cho biết, nhà đầu tư vào Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex Bình Phước sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi của tỉnh, đặc biệt là chi phí đầu tư rất cạnh tranh, thấp hơn khoảng 20 - 30% so với các nơi khác.
Tiềm lực chủ đầu tư
Với tiềm lực về tài chính và bề dày kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển thành công các khu công nghiệp, khu đô thị - dịch vụ như: KCN VSIP 1, 2; KCN Mỹ Phước 1,2,3; KCN Thới Hòa; KCN Bàu Bàng; VSIP Bắc Ninh; VSIP Hải Phòng; VSIP Quảng Ngãi; Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An, với tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hàng chục ngàn héc-ta, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương nói riêng và cho cả nước nói chung, Becamex IDC tự tin sẽ thực hiện thành công Dự án Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước.
Becamex IDC chủ trương đầu tư các KCN theo hướng phát triển bền vững, tức là ngoài việc xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng KCN hoàn thiện, Becamex IDC luôn chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, khu đô thị cho người lao động, các khu nhà ở cho chuyên gia, trung tâm đào tạo nghề, trung tâm thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, các trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, trung tâm dịch vụ khách hàng để chăm sóc, phục vụ doanh nghiệp, người lao động, người dân tái định cư, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại dự án.
Với Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước, Becamex IDC cũng định hướng xây dựng thành dự án kiểu mẫu, hướng đến sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững tại tỉnh Bình Phước, cũng như tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cơ hội vàng để đón làn sóng đầu tư mới
Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có nhiều điều kiện hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, đặc biệt, sắp tới đây khi nước ta tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Hàn Quốc…, sẽ mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là một trong những lợi thế quốc tế, một cơ hội vàng mà UBND tỉnh Bình Phước và Becamex IDC đã và đang nắm bắt để chào đón các làn sóng đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước, góp phần phát triển kinh tế cho tỉnh Bình Phước, cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư và sự hỗ trợ kịp thời trong việc giải quyết các vướng mắc với những chính sách thông thoáng của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Bình Phước để Dự án thành công.
Tạo đột phá phát triển công nghiệp - dịch vụ
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước sẽ trở thành cửa ngõ hàng hóa, dịch vụ giao lưu nội địa và quốc tế. Từ vị trí Khu liên hợp, dọc theo tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh và Quốc lộ 13 qua cửa khẩu Hoa Lư hoặc qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Sân bay quốc tế Long Thành và cảng nước sâu Thị Vải, hàng hóa sẽ đến các nước Đông Nam Á. Từ các tỉnh Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long theo đường Hồ Chí Minh kết nối về Khu liên hợp cũng rất dễ dàng.
Cùng với các khu công nghiệp lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Khu liên hợp công nghiệp - đô thị Becamex - Bình Phước sẽ tạo ra bước đột phá mới trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nơi đây sẽ tập trung nhiều loại hình công nghiệp chuyên ngành khác nhau, gắn liền với các loại hình dịch vụ đa dạng, được bố trí hợp lý theo từng khu vực để các nhà đầu tư sản xuất, trao đổi và mua bán thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chi phí. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.