Hạ tầng giao thông của Bình Định khá hoàn thiện, tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cảng Quy Nhơn - cảng biển quốc gia, đầu mối khu vực Ảnh: Dũng Nhân

Hạ tầng giao thông của Bình Định khá hoàn thiện, tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút đầu tư. Trong ảnh: Cảng Quy Nhơn - cảng biển quốc gia, đầu mối khu vực Ảnh: Dũng Nhân

Bình Định thu hút đầu tư với chiến lược hạ tầng đi trước

0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh; thành lập nhiều khu, cụm công nghiệp, chuẩn bị quỹ đất sạch là giải pháp để Bình Định thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh.

Giao thông mở đường

Khi giới thiệu về thế mạnh của địa phương tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, cũng như làm việc với nhà đầu tư, điều đầu tiên được lãnh đạo tỉnh Bình Định đề cập là thế mạnh hạ tầng giao thông của địa phương.

Theo đó, Bình Định có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; bên cạnh đường cao tốc và đường ven biển, cùng hệ thống tuyến đường kết nối trục Đông - Tây đã và đang đầu tư hoàn thiện; là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong chiến lược phát triển, địa phương lựa chọn giao thông “đi trước mở đường”, cũng chính là chìa khóa tạo nên sự thành công phát triển kinh tế của tỉnh.

Về đường bộ, hiện tỉnh đang phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khá nhanh và hoàn chỉnh, đồng bộ, với các trục đường hướng Bắc - Nam, gồm cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1 và đường ven biển, cùng hệ thống đường kết nối Đông - Tây đã và đang được đầu tư hoàn thiện (trong đó có tuyến đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku).

Về đường ven biển, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, thời gian qua, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ, địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng hoàn thành một số đoạn tuyến của đường ven biển, từ Tam Quan Bắc đến Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn); Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đến Cát Tiến (huyện Phù Cát) dài 29,1 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.967 tỷ đồng; đang triển khai xây dựng đường ven biển, đoạn từ Cát Tiến (huyện Phù Cát) đến Diêm Vân (huyện Tuy Phước) kết nối Quốc lộ 19 mới.

Theo ông Hoàng, việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, khai thác tiềm năng quỹ đất phục vụ phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cùng với hoàn thiện tuyến đường ven biển, Bình Định còn đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối với tuyến đường này như đường từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) tại huyện Phù Mỹ…

Ngoài tuyến đường ven biển, Bình Định cũng đang triển khai Dự án Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định, dự án không chỉ hoàn thiện hạ tầng giao thông, mà còn góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa từ Becamex Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên và cảng Quy Nhơn, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư hiệu quả, góp phần tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của địa phương.

Về đường biển, tỉnh Bình Định đang nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn (trong đó, Cảng biển quốc tế Quy Nhơn có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70.000 tấn ra vào an toàn); quy hoạch và bổ sung các cảng biển nước sâu quy mô lớn ở khu vực phía Bắc.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, tỉnh đang kêu gọi đầu 9 dự án cảng biển tại TP. Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ và Tuy Phước. Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là Khu bến Phù Mỹ, có diện tích lên đến 257 ha, tại xã Mỹ An và xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), với vốn đầu tư dự kiến tối thiểu là 20,6 tỷ USD.

Dự án này có mục tiêu xây dựng các bến tổng hợp, container và chuyên dùng phục vụ công nghiệp nặng, công nghiệp điện gió, cơ khí, đóng tàu, nông sản, vật liệu xây dựng, xăng dầu.

Tiếp theo là Dự án Bến cảng 1.2 Khu kinh tế Nhơn Hội, vốn đầu tư 3 tỷ USD, diện tích 85 ha. Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng 2 cầu cảng có chiều dài 500 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn; năng lực thông qua là 4-5 triệu tấn/năm, từ 150.000 đến 200.000 lượt hành khách.

Về đường hàng không, Bình Định đang đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát từng bước thành cảng hàng không quốc tế.

Theo Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Phù Cát được quy hoạch cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hóa/năm; quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 song song, cách đường cất hạ cánh hiện hữu 215 m về phía Tây với kích thước 3.048 m x 45 m…

Chia sẻ lý do chọn Bình Định để triển khai dự án điện gió với quy mô công suất 150 MW, tổng mức đầu tư ước tính 5.500 tỷ đồng, ông Cyril Dissescou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd (Singapore) cho biết, tỉnh Bình Định có vị trí địa lý thuận lợi ở miền Trung, có thể dễ dàng tiếp cận từ Hà Nội và TP.HCM bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng không và thông qua cảng biển. Cùng với đó, chính quyền địa phương có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp với hạ tầng đầy đủ.

Xây sẵn “tổ” chờ nhà đầu tư

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 1,08 tỷ USD. Trong đó, khu kinh tế và khu công nghiệp dù chỉ thu hút được 38 dự án, nhưng tổng vốn đăng ký chiếm hơn 75%, với 843,3 triệu USD. Điều này chứng tỏ vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp đối với việc thu hút đầu tư của tỉnh.

Đây cũng là một trong những thế mạnh được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhiều lần giới thiệu với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Tuấn, hiện nay, tỉnh đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chuẩn bị quỹ đất sạch (mỗi năm chuẩn bị 20 - 30 ha) dọc theo các tuyến đường kết nối Đông - Tây, đường ven biển) để sẵn sàng cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

Đồng thời, Bình Định đưa ra các khung giá hấp dẫn với các nhà đầu tư, khi nhiều KCN có mức giá thuê hạ tầng trong khoảng 25 - 60 USD/m2/50 năm, thấp hơn nhiều so với nhiều KCN trên cả nước.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cho hay, tỉnh đã và đang tập trung quy hoạch, xây dựng và mở rộng, đầu tư hạ tầng - kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng thu hút đầu tư. Hiện nay, tỉnh có 1 khu kinh tế, 7 KCN và 38 cụm công nghiệp.

Cụ thể, Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích 14.308 ha đã hoàn thiện và có mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đánh giá, Khu kinh tế Nhơn Hội là một trong 18 khu kinh tế ven biển hoạt động hiệu quả.

Trong đó, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích 1.374 ha, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhất, tốt nhất mọi điều kiện cho hoạt động của nhà đầu tư.

Quỹ đất tại 3 KCN nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội còn rất lớn để sẵn sàng chào đón nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Lăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Becamex Bình Định khẳng định, Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định sẵn sàng phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động đến sinh sống và làm việc.

Theo ông Lăng, trong năm 2024, Becamex VSIP sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hơn nữa hệ thống khu công nghiệp tại Bình Định.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định thông tin, địa phương hiện có 3 KCN khác đang làm thủ tục để được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm KCN Cát Trinh (368,1 ha); KCN Bình Nghi (207,67 ha); KCN Long Mỹ (giai đoạn II, 109 ha).

Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 đặt mục tiêu, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với tổng diện tích khoảng 6.714 ha. Sắp tới, Bình Định sẽ có thêm 5 KCN mới gồm KCN Phù Mỹ (1.100 ha), KCN Hoài Mỹ (600 ha), KCN phía Nam Quốc lộ 19 (An Nhơn, 160 ha), KCN Tây Giang (300 ha), KCN Vân Canh (1.500 ha).

Về các KCN mới, ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định chia sẻ, đơn vị đang tiến hành các thủ tục liên quan đến thành lập KCN Hoài Mỹ (lập quy hoạch 1/2.000); phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện việc lập Quy hoạch xây dựng KCN Phù Mỹ, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, làm cơ sở tổ chức xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

HAI DỰ ÁN GIAO THÔNG ĐÃ CÓ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ:

Dự án Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, dự kiến đến năm 2030, Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với chiều dài 180 km, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 54.000 tỷ đồng.

Dự án Mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, bao gồm 3 dự án thành phần, trong đó Dự án Xây dựng khu hàng không dân dụng có thời gian thực hiện 2027 - 2032, tổng mức đầu tư khoảng 3.132 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư.

NHỮNG DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM CỦA BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025:

Dự án Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại, có chiều dài 9,4 km, tổng mức đầu tư hơn 1.043 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 31/3/2022, dự kiến thi công xây dựng trong thời gian 30 tháng.

Dự án Đường ven biển đoạn từ Cát Tiến (huyện Phù Cát) đến Diêm Vân (huyện Tuy Phước), có chiều dài 13,6 km, tổng mức đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 16/4/2022, dự kiến được thi công xây dựng trong thời gian 32 tháng.

Dự án xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D đến Quốc lộ 19 mới, có chiều dài 4,3 km, tổng mức đầu tư hơn 1.724 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 31/3/2023, dự kiến hoàn thành trong vòng 23 tháng.

Dự án Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (huyện Vân Canh), có tổng chiều dài 9,5 km; tổng mức đầu tư 1.171 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 8/9/2023, dự kiến thi công xây dựng hoàn thành trong thời gian 24 tháng.

Tin bài liên quan