UBND tỉnh Bình Định vừa báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện “Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các cơ quan nông nghiệp, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình cá nhân” (sau đây gọi tắt là Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh).
Theo đó, thực hiện văn bản số 4854/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 10/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lập Đề án và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tại Quyết định số 4783/QĐ-UBND ngày 20/11/2020.
Tổng khái toán kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp hiện hành, gồm nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh và ngân sách địa phương bố trí từ 10% các khoản thu tiền sử dụng đất.
UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 2836/UBND-KT ngày 20/5/2021 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện “Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh” trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tại công văn số 1063/TCQLĐĐ-KHTC ngày 3/6/2021, Tổng cục Quản lý đất đai đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương, đảm bảo dành tối thiểu 10% các khoản thu từ tiền sử dụng đất để đầu tư cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký và cấp giấy chứng nhận. Ttrong đó, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị tỉnh Bình Định cần ưu tiên thực hiện đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bình Định về ngân sách địa phương thực hiện việc cân đối nguồn thu - chi để đảm bảo các nhiệm vụ chi thường xuyên của đơn vị. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid- 19 và các dự án trọng điểm của tỉnh; các dự án tuyến đường cao tốc Bắc- Nam… Do đó, tỉnh này chưa cân đối và bố trí được nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Đề án.
Ngày 16/8/2022 UBND tỉnh có văn bản số 4729/UBND-KT về kinh phí thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc các sở, ngành liên quan để giải trình nguồn vốn triển khai thực hiện Đề án.
Qua làm việc, trao đổi và lấy ý kiến bằng văn bản đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì hiện nay, nguồn vốn của tỉnh năm 2023 còn khó khăn, không bố trí được kinh phí để triển khai thực hiện Đề án.
Từ đó, UBND tỉnh Bình Định báo cáo, trong năm 2023, tỉnh Bình Định thật sự khó khăn trong việc cân đối ngân sách cho công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính các Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn Trung ương cho tỉnh Bình Định để triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh”, UBND tỉnh Bình Định đề nghị.