Đường ven biển tỉnh Bình Định có tổng vốn đầu tư hơn 2.674 tỷ đồng.
Theo đó, thực hiện Văn bản số 82/KTNN-CNIV ngày 30/10/2023 của Kiểm toán Nhà nước về việc gửi dự thảo Báo cáo kiểm toán dự án đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, UBND tỉnh Bình Định cơ bản thống nhất theo các nội dung của dự thảo này. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định có một số ý kiến về dự thảo.
Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV kiến nghị về công tác lập, thẩm định và phê duyệt, chủ trương đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư: Phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không tuân thủ Luật đầu tư công 2019, cụ thể: Không thẩm định và đánh giá khả năng huy động và cân đối nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác để thực hiện chương trình, dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã có báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; trong đó xác định khả năng cân đối vốn thực hiện dự án từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương (NSTW) giai đoạn 2021 – 2025 là 1.800 tỷ đồng theo Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; vốn ngân sách tỉnh bố trí phần còn lại để thực hiện dự án.
Trên cơ sở Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Tờ trình số 1114 ngày 9/6/2021 của Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 15/6/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định tại Điều 33 và Điều 36 Luật Đầu tư công năm 2019.
Do đó, UBND tỉnh cho rằng, công tác lập, thẩm định và phê duyệt, chủ trương đầu tư; lập, thẩm định và phê duyệt dự án: Phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công.
Liên quan đến việc Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV kiến nghị về sử dụng nguồn vốn NSTW để chi trả cho các nội dung giải phóng mặt bằng (GPMB) với số tiền 268 tỷ đồng là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo UBND tỉnh Bình Định, Dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân có tổng mức đầu tư là 2.674,65 tỷ đồng, bao gồm: Vốn NSTW hỗ trợ bổ sung cho ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.800 tỷ đồng; vốn NSĐP cân đối 874,65 tỷ đồng (bao gồm chi phí bồi thường GPMB của dự án là 411 tỷ đồng). Như vậy, trong tổng cơ cấu thực hiện dự án thì giá trị bồi thường GPMB nhỏ hơn mức vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện dự án theo Quyết định phê duyệt.
Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến nguồn thu tiền sử dụng đất bị hụt so với kế hoạch đề ra, nên ngân sách tỉnh chưa bố trí kịp nguồn vốn của địa phương. Do đó Tỉnh đã sử dụng vốn NSTW trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện công tác bồi thường GPMB.
Vì vậy, với ý kiến của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, tỉnh Bình Định xin rút kinh nghiệm và hiểu rõ hơn về nội dung quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, trong thời gian tới sẽ bố trí hoán đổi phần NSTW đã chi cho bồi thường GPMB bằng vốn ngân sách tỉnh để đảm bảo vốn NSTW chỉ thực hiện cho công tác xây lắp.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV kiến nghị về công tác lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công: UBND tỉnh Bình Định đã phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSĐP giai đoạn 2021-2025 cho dự án với tổng số tiền là 420 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSĐP cho dự án Đường ven biển tỉnh Bình Định, đoạn Cát Tiến – Diêm Vân còn thiếu 454,65 tỷ đồng là chưa phù hợp theo quy định Điều 51 Luật Đầu tư công và Điều 72 Luật Xây dựng.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Bình Định cho hay, dự án được bắt đầu triển khai năm 2022, đến nay thực hiện khoảng 40% khối lượng và nguồn vốn giai đoạn trung hạn ngân sách tỉnh cơ bản đáp ứng tốt theo tiến độ thực hiện dự án. Trong năm 2024, trên cơ sở nguồn thu ngân sách của tỉnh và tiến độ thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục rà soát, trình HĐND tỉnh bổ sung phần ngân sách tỉnh còn lại vào kế hoạch trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để chủ đầu tư hoàn thành dự án theo quy định.
Về việc Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV kiến nghị kiểm điểm đối với tập thể cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế về nội dung: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn tồn tại, hạn chế, sai sót.
UBND tỉnh Bình Định cho hay, trong quá trình triển khai công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán, Ban QLDA Giao thông tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế nghiêm túc thực hiện công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, dự án cũng được Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tại thông báo số 22/CQLXD-QLXD3 ngày 5/1/2022. Tuy nhiên, dự án đi qua địa bàn có địa lý thủy văn và địa chất phức tạp với quy mô công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nên công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn một số nội dung tồn tại, thiếu sót.
Đối với các nội dung tồn tại, hạn chế, sai sót này chưa có gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa gây thất thoát đối với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Do vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban QLDA giao thông tỉnh nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và sẽ chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công kiểm tra, rà soát hoàn thiện đầy đủ các bảng tính toán, hồ sơ, chỉ dẫn kỹ thuật, tài liệu chi tiết còn thiếu theo kết quả kiểm toán đã đánh giá. UBND tỉnh Bình Định đề nghị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV xem xét, đưa nội dung này vào Mục chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tồn tại: trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chưa phù hợp với quy hoạch hướng tuyến của dự án đã được phê duyệt.
Theo UBND tỉnh Bình Định, đoạn Tam Quan đến TP. Quy Nhơn theo quy hoạch đi trùng tuyến ĐT.639 hiện tại và nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội. Tại Quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 8/5/20219 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040, tuyến đường ven biển trong phạm vi Khu kinh tế Nhơn Hội thuộc khu vực quy hoạch để phát triển khu dân cư đô thị sẽ trở thành đường trong khu đô thị.
Ngày 14/6/2021, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 3414/UBND-KT gửi Bộ Giao thông vận tải về việc tham gia ý kiến Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó ngày 30/7/2021, UBND tỉnh Bình Định đã có tiếp văn bản 4618/UBND-KT gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị cập nhật thông tin Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Bình Định, với nội dung tỉnh Bình Định có kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cập nhật điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số đoạn tuyến của đường bộ ven biển.
Mặt khác, so với hướng tuyến quy hoạch đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tuyến đoạn Cát Tiến - Diêm Vân cơ bản giữ nguyên các điểm khống chế chủ yếu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt của tuyến đường, chỉ thay đổi cục bộ về hướng tuyến.
Đồng thời, quy hoạch tuyến đường bộ ven biển được lập trên bản đồ tỷ lệ 1/25.000 là quy hoạch có tính định hướng nên các điều chỉnh cục bộ về hướng tuyến nêu trên của địa phương có thể xem xét chấp thuận được. Do đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 15/6/2021 là cơ bản phù hợp với quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam.