Tại Khu chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, tỉnh Bình Định đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải ở Long Mỹ.

Tại Khu chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, tỉnh Bình Định đã xây dựng Nhà máy xử lý nước thải ở Long Mỹ.

Bình Định hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải hủy thầu vì đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký quyết định huỷ thầu và thu hồi Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ, TP.Quy Nhơn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, lý do huỷ thầu và thu hồi kết quả lựa chọn nhà đầu tư là đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công.

Sau khi hủy thầu, UBND tỉnh Bình Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan triển khai các thủ tục có liên quan để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải theo quy định.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh thu hồi đất đã cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án.

Liên danh Công ty TNHH Xuân Hiếu và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Nam Thành - Ninh Thuận là chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt lựa chọn làm chủ đầu tư tại Quyết định số 3108, ngày 31/7/2020.

Dự án được thực hiện tại Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (lô A-3), TP. Quy Nhơn với diện tích đất sử dụng 4,33 ha; công suất xử lý dự kiến 700 tấn/ngày; tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. Đơn giá dịch vụ (bao gồm thuế VAT) là 225.000 đồng/tấn; giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước M3 (không điều kiện) là 500 triệu đồng.

Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xây dựng và hoàn thành 1 dây chuyền xử lý rác thải đi vào hoạt động sau 12 tháng kể từ ngày giao mặt bằng sạch (đất chưa giải phóng mặt bằng); công suất giai đoạn 1 là 400 tấn/ngày. Giai đoạn 2, từ năm 2026, nếu có phát sinh rác thải sinh hoạt lớn hơn 400 tấn/ngày hoặc yêu cầu phải nâng công suất của cấp có thẩm quyền thì chủ đầu tư đề xuất cụ thể giải pháp về công nghệ xử lý trong hồ sơ dự thầu.

Ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý cho Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác vào cuối năm 2023, sau khi hoàn thành việc đổ thải vật liệu thải của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam.

Tuy nhiên, nhiều kiến nghị của Công ty không được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.

Cụ thể, Công ty kiến nghị điều chỉnh phạm vi phục vụ của dự án là TP. Quy Nhơn và các huyện lân cận phía Nam tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng trước mắt, phạm vi vùng phục vụ của dự án là TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước theo đúng nội dung hồ sơ đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; đối với việc mở rộng địa bàn phục vụ cho một số địa phương lân cận khác sẽ được xem xét thực hiện sau khi hội đủ các điều kiện về pháp lý và thực tiễn.

Đối với kiến nghị cho phép Công ty không nộp đảm bảo thực hiện hợp đồng, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng với giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng là 1% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định chưa xem xét đối với kiến nghị điều chỉnh tăng đơn giá xử lý rác lên 340.000 - 370.000 đồng/tấn đối với dự án này (đơn giá dịch vụ phê duyệt là 225.000 đồng/ tấn).

Ngày 5/4/2023, Công ty TNHH Đầu tư Nam Thành Xuân Hiếu có Văn bản số 32/CV-NTXH, nội dung đề nghị về việc ký kết hợp đồng dự án. Sau đó, Công ty tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, giải quyết kiến nghị liên quan đến dự án (tại Văn bản số 04/CV-LDNDT, ngày 26/5/2023).

Tin bài liên quan