GS.TS Trần Ngọc Thơ.

GS.TS Trần Ngọc Thơ.

Bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2018: Một quá trình đánh giá định lượng và định tính nghiêm túc

(ĐTCK) Trong một nỗ lực hướng đến các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin, Cuộc bình chọn các doanh nghiệp niêm yết sẽ buộc phải thay đổi chính mình sau mỗi lần tổ chức. Như bất kỳ cuộc bình chọn nào, tất cả không nằm ngoài mục đích tìm ra người xứng đáng nhất. Quá trình lựa chọn doanh nghiệp niêm yết năm nay cũng vậy nhưng khó hơn rất nhiều. Đó là tìm ra doanh nghiệp có phẩm hạnh đẹp về công bố thông tin.

Phương pháp “định lượng”

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sẽ không ai, bất kỳ hội đồng nào hoặc bất kỳ quy định nào dám khẳng định sẽ hội tụ đủ mọi điều cần thiết nhất để xác định đâu là doanh nghiệp xứng đáng nhất theo nghĩa thông tin minh bạch nhất.

Tôi không dám nói các doanh nghiệp đạt giải lần này có thông tin trung thực nhất hay đáng tin cậy nhất. Đó không có nghĩa nhà đầu tư sử dụng các thông tin này là đủ để họ đưa ra quyết định.

Cũng không có nghĩa những ai có nhu cầu tìm hiểu về doanh nghiệp nào đó, thì họ chỉ cần nhìn vào kết quả hạng nhất nhì hay trong tốp đầu là thấy gần hết mọi thứ trong đó. Nếu vậy thì làm gì tồn tại lý thuyết cơ bản trong kinh tế là “bất cân xứng thông tin”. Bất cân xứng luôn tồn tại, nhất là trên thị trường tài chính.

Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn tin rằng, nếu như các doanh nghiệp công bố thông tin càng nhiều, càng chi tiết theo những chuẩn mực quốc tế, ắt hẳn, từ những manh mối này chúng ta có thể lần ra những thứ cần tìm hay những điều không nhất quán trong đó.

Xét trên ý nghĩa đó, không quá khắt khe nếu ta chọn doanh nghiệp đó xứng đáng nằm trong Top của cuộc bình chọn. Ban tổ chức cuộc bình chọn năm nay đã hướng nhiều hơn đến điều này.

Hàng trăm chỉ tiêu (nội dung) đã được Ban tổ chức nghiên cứu và đặt ra ở vòng chấm sơ khảo, do 2 Sở GDCK và một tổ chức độc lập chấm điểm, sau đó kết quả được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán lớn nhất (Big Four). Tại vòng chấm chung khảo, báo cáo của các doanh nghiệp được đánh giá một lần nữa bởi Hội đồng bình chọn.

Có thể hiểu cách đánh giá này được gọi là “định lượng”. Khái niệm định lượng ở đây không có ý nghĩa “econometrics” trong nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, khái niệm định lượng trong cuộc bình chọn lần này cũng đã xác lập các tham số và mỗi tham số sẽ nhận được một trọng lượng thích hợp cho những gì mà nó đã làm được và mang đến. 

Xử lý vấn đề mâu thuẫn lợi ích

Khi giao cho các Big Four thẩm định lại điểm số trong vòng chấm sơ khảo, liệu có phát sinh mâu thuẫn lợi ích giữa các công ty kiểm toán và khách hàng của mình? Về câu hỏi này, Ban tổ chức đã có một quy trình làm cho mâu thuẫn lợi ích giảm xuống ở mức tối thiểu.

Thứ nhất, các Big Four chỉ được phép chấm chéo với những doanh nghiệp không phải khách hàng của mình.

Thứ hai, Hội đồng bình chọn đã đặt điểm trần tối đa rất thấp và chi tiết cho từng nội dung (trong tổng số hơn 100 nội dung).

Chúng ta hãy thử hình dung, với hàng trăm tiêu chí, mỗi tiêu chí có số điểm cao nhất là một vài điểm thì thật khó để các kết quả có thể sai lệch đáng kể giữa các vòng chấm. Chỉ có thể thiên lệch lớn (nếu có) một vài chứ đâu thể hàng loạt tiêu chí.

Trên thực tế, vẫn có một số ít trường hợp số điểm đánh giá giữa các chuyên viên ở hai Sở và Big Four lệch nhau khoảng 10 điểm.

Trong những trường hợp này, bộ lọc thứ ba được sử dụng. Theo đó, các trường hợp có chênh lệch cao đều được các thành viên Hội đồng bình chọn trao đổi thẳng thắn với các Big Four. Trao đổi trong trường hợp này không phải để Hội đồng bình chọn tăng hay hạ điểm của doanh nghiệp nào.

Chúng chỉ có tác dụng làm cho các thành viên Hội đồng có thêm thông tin đến từ góc nhìn đầy tính chuyên nghiệp của các Big Four. Để sau đó, tự mỗi thành viên sẽ đưa ra quyết định riêng cho mình trong các lá phiếu cuối cùng. Ngoài ra, đó cũng là những thông tin đáng giá để Ban tổ chức cuộc bình chọn và Hội đồng bình chọn các năm sau có những đổi mới hiệu quả và thiết thực hơn.

Yếu tố “định tính” trong bình chọn các doanh nghiệp niêm yết

Thú vị nhất là phần trao đổi mang tính “định tính” giữa các thành viên trong Hội đồng chung khảo. Trong phần này các thành viên Hội đồng đặt ra các câu hỏi, có thể nằm ngoài các tiêu chí đã công bố, về mọi vấn đề của doanh nghiệp.

Trong đó, các thành viên Hội đồng đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp có số điểm định lượng cao. Cần lưu ý, các thành viên Hội đồng phần lớn đến từ cơ quan quản lý và giám sát thị trường nên họ tường tận rất nhiều vấn đề. Các thắc mắc mà họ nêu ra với các doanh nghiệp vì vậy thực sự đáng giá.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra để các thành viên có thể hiểu thấu đáo hơn từng khía cạnh của từng doanh nghiệp. Một nguyên tắc quan trọng được các thành viên Hội đồng tranh luận là các thông tin thêm về một doanh nghiệp nào đó chỉ là những thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông chính thống.

Dù vậy, trong điều kiện thông tin trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ, tôi tin rằng, các doanh nghiệp cũng không nên xem nhẹ những dạng thông tin phi chính thống. Chúng tuy không tác động hoặc tác động không đáng kể đến điểm số của các thành viên Hội đồng, nhưng chắc chắn có tác động không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Dựa trên tất cả những tranh luận công khai này, mỗi thành viên hội đồng có đánh giá độc lập để cho ra số điểm cuối cùng. Mặc dù phiếu điểm đánh giá dành cho mỗi thành viên đều bằng phiếu kín, điều thú vị là hầu hết điểm số đều hội tụ về những chủ điểm mà Hội đồng đã tranh luận trước đó. Điều này phần nào thể hiện sự công tâm và tin tưởng lẫn nhau rất cao giữa các thành viên Hội đồng.

Cuộc bình chọn các doanh nghiệp niêm yết 2018 mở ra một cách làm mới trong nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp tự hoàn thiện và nâng hạng chính mình.

Sau 10 năm chấm điểm báo cáo thường niên trên ấn phẩm, năm thứ 11, Cuộc bình chọn không chỉ đổi tên, mà còn thay đổi cách đánh giá theo hướng ngày càng thực chất và chính xác hơn ở cả vòng sơ khảo và chung khảo.

Nhưng thay đổi lớn nhất có lẽ đến từ sự quan tâm ngày càng nhiều của các doanh nghiệp niêm yết đến với cuộc thi. Hy vọng, chặng đường 1 thập niên tiếp theo, Cuộc bình chọn sẽ từng bước có những bước đột phá về chất lượng, để chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu trên TTCK và thúc đẩy số doanh nghiệp này ngày một nhiều hơn.

Minh bạch thông tin hỗ trợ việc hoạch định chiến lược doanh nghiệp

Việc thay đổi cơ cấu giải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào nỗ lực minh bạch hóa thị trường và trách nhiệm hơn với nhà đầu tư. 

Rạng Đông luôn xác định việc minh bạch thông tin là nghĩa vụ với nhà đầu tư và là một trong những yếu tố giúp Ban lãnh đạo Công ty hoạch định chiến lược trong những năm kế tiếp, thông qua báo cáo thường niên hàng năm. Theo đó, Rạng Đông luôn tuân thủ mọi quy định về công bố thông tin của công ty niêm yết, đồng thời có những quy chế và bộ phận giám sát việc công bố theo đúng quy định. 

Nằm trong TOP 5 doanh nghiệp vốn hóa nhỏ có Báo cáo thường niên tốt nhất là một bất ngờ đối với Rạng Đông, nhưng cũng chứng minh cho nỗ lực của Ban lãnh đạo Công ty trong hoạt động công bố thông tin và tạo ra những báo cáo có chất lượng. Ngoài Báo cáo thường niên, Rạng Đông cũng thường xuyên cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh, quản trị công ty qua các báo cáo hàng quý, mục đích không chỉ đơn thuần là công bố thông tin ra thị trường, mà còn giúp Ban lãnh đạo Công ty tạo lập một hệ thống báo cáo quản trị để có những dự báo, định hướng cho từng thời điểm cụ thể.

Trong thời gian tới, để thành một phong trào trong doanh nghiệp niêm yết, Cuộc bình chọn cần được truyền thông, quảng bá mạnh mẽ hơn, hướng doanh nghiệp nâng tầm quản trị cũng như chất lượng hoạt động, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Ông Trần Trọng Triệu, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Nhựa Rạng Đông (RDP)

Cuộc bình chọn đã tạo ra một sân chơi hữu ích cho doanh nghiệp niêm yết

Sự thay đổi của Cuộc bình chọn năm nay nhìn chung hướng doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn về khung báo cáo quản trị công ty và báo cáo thường niên, bám sát với các tiêu chuẩn của thế giới. Với bộ tiêu chuẩn này, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vươn tầm. 

Qua đây, CTCP FPT (FPT) xin gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức Cuộc bình chọn đã tạo ra một sân chơi hữu ích cho doanh nghiệp niêm yết, giúp các doanh nghiệp nhìn nhận lại bản thân và ngày càng hoàn thiện hơn.

Đối với FPT, cho dù có giải hay không thì nguyên tắc của Công ty là luôn phải minh bạch và công khai, hướng đến quản trị tốt nhất. Lý do bởi FPT không chỉ là công ty nội địa, mà định hướng vươn ra toàn cầu, nên việc tiếp cận với quản trị thế giới luôn đặt ở mức cao. Dù vậy, việc nhận giải sẽ là động lực, giúp FPT ngày càng hoàn thiện hơn. 

Thực tế, FPT đã định hướng theo thông lệ quản trị quốc tế từ lâu, cho nên những năm gần đây đều nằm trong TOP đạt giải. Đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng, với chiến lược hướng ra thế giới, tiêu chí áp dụng thông lệ chuẩn quốc tế là yếu tố tiên quyết để giúp FPT có những bước đi vững chắc, cũng như tạo uy tín nhất định khi tiếp cận thị trường vốn nước ngoài. 

Hiện tại, Cuộc bình chọn hiện chỉ giới hạn ở các công ty niêm yết, nên mức độ tiếp cận với các công ty Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là những start-up còn ít. Do đó, tôi cho rằng, Ban tổ chức nên có những chiến dịch truyền thông rộng rãi hơn, điều này sẽ giúp nhiều đối tượng doanh nghiệp được tiếp cận với thông lệ tốt, từ đó có thể tự điều chỉnh để vươn tới những chuẩn mực quốc tế. 

Ngoài được vinh danh, kết quả Cuộc bình chọn cũng cho thấy, những doanh nghiệp đạt giải hầu hết có thị giá cổ phiếu ổn định, nhà đầu tư có thể tin tưởng, an tâm đầu tư lâu dài vào những cổ phiếu này. 

Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc FPT TP.HCM

(Bài viết đã được đăng tải trên Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết, do Báo Đầu tư xuất bản tháng 11/2018)

Tin bài liên quan