Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay của Vietcombank dự kiến là 10%

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay của Vietcombank dự kiến là 10%

Big4 ngân hàng dè dặt đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công bố sớm nhất về kết quả kinh doanh năm 2023, nhưng nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối vẫn chưa tiết lộ về con số kế hoạch của năm mới 2024.

Triển vọng tích cực hơn

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, cầu vốn đang dần cải thiện khi mặt bằng lãi suất cho vay từng bước giảm. Chỉ riêng tháng 12/2023, dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng hơn 20% so với các tháng trước đó, nhờ “bung” ra các gói tín dụng ưu đãi lãi vay 5 - 7%/năm.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, mặt bằng lãi vay đang giảm dần và sẽ giảm thêm trong năm nay, cùng với dư địa tín dụng dồi dào khi được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức 15% ngay đầu năm là cơ hội để ngân hàng triển khai cho vay. Theo ông Tùng, nhu cầu vốn của khách hàng, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều cá nhân, đã tăng trở lại.

Giám đốc Khối Chứng khoán của Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn, nhận định, dù lãi suất huy động đã về mức thấp hơn giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng mức thấp kỷ lục này vẫn có thể bị phá vỡ và sẽ có một đợt hạ lãi suất trong vòng 4 - 5 tháng tới. Dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn còn. Vì thế, hoạt động tín dụng ngân hàng năm nay kỳ vọng tăng trưởng cao hơn năm 2023, điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của các nhà băng.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ cải thiện mạnh hơn trong năm 2024; trong đó, nhu cầu vay vốn cải thiện nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự báo tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024. Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng trong quý I/2024 so với quý trước, nhưng tốc độ tăng đang chậm dần, đồng thời ngân hàng kỳ vọng có thể giảm trong năm 2024.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Còn dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4% so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh. Do đó, các nhà băng vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch năm 2024, cho dù không ít ngân hàng đạt mức lợi nhuận tỷ USD trong năm vừa qua.

Thông tin từ Vietcombank cho biết, năm 2023, Ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế được giao, tăng trưởng 10,2% so với năm 2022; chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%. Ước tính, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhà băng này trong năm qua là khoảng 41.200 tỷ đồng.

Dù vẫn tăng trưởng tích cực trong một năm đầy sóng gió của nền kinh tế cũng như của ngành ngân hàng, song năm nay, mục tiêu lợi nhuận được Vietcombank xây dựng sơ bộ là hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Các chỉ tiêu khác của Ngân hàng là: tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%; tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng; nợ xấu dự kiến dưới 1,5%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, kinh tế thế giới năm nay được dự báo “hạ cánh mềm”, bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế của các nước lớn cũng dự báo gặp thách thức. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa cuối năm sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm khởi sắc.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất - kinh doanh do rủi ro lãi suất hiện hữu và căng thẳng địa chính tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam có phần sáng hơn nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ. Động lực tăng trưởng nhờ các trụ cột đầu tư công, khu vực FDI, các dự án lớn và sức mua tăng. Năm nay, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).

BIDV, ngân hàng khác trong nhóm Big4, báo lãi trước thuế riêng lẻ năm 2023 là 26.750 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 18,8% so với năm 2022. Dù tăng trưởng cao trong năm qua, nhưng sang năm nay, BIDV mới đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11, ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%..., còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn để ngỏ.

Agribank cho biết, năm 2023, Ngân hàng tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, lãi trước thuế ước đạt 25.300 - 25.400 tỷ đồng. Vietinbank cũng cho hay, Ngân hàng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2023 (được đại hội cổ đông thường niên năm 2023 thông qua là 22.500 tỷ đồng). Hiện cả hai nhà băng này vẫn chưa công bố chỉ tiêu lợi nhuận 2024.

Trong báo cáo triển vọng của ngành ngân hàng năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã chỉ ra loạt dấu hiệu cho thấy, ngành ngân hàng sẽ khởi sắc vào năm 2024. Những tín hiệu này bao gồm: sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA đi lên, NIM tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.

Các chuyên gia phân tích đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng cao vào quý IV/2023 có thể sẽ không được chuyển hóa ngay vào lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng, nhưng việc giải ngân muộn sẽ góp phần vào lợi nhuận của năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước đã công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% và phân bổ cho từng ngân hàng từ rất sớm. Dựa trên kỳ vọng vĩ mô khởi sắc hơn cả ở trong nước và quốc tế vào năm 2024, giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên là khả thi và không ẩn chứa quá nhiều rủi ro về sau và trong ngắn hạn, ngân hàng vẫn có các nguồn thu nhập ngoài lãi như dịch vụ bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng).

PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tăng trưởng tín dụng và nợ xấu là hai yếu tố chính tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024, nhưng cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế, cùng với tác động từ cách thức điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Theo ông Huân, nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi thì nợ xấu sẽ giảm và tăng trưởng tín dụng khả quan sẽ tác động tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024, ngược lại sẽ còn khó khăn.

Thông tin tích cực khác hỗ trợ cho câu chuyện nợ xấu cũng như hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng, được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú chia sẻ, có thể trước khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ sẽ hết hiệu lực từ tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và tùy vào diễn biến của thị trường để gia hạn hay không, nhằm giảm áp lực lên nợ xấu trong năm nay.

Tin bài liên quan