Big_Trends: Thị trường rồi sẽ quay lên hướng 1.400 - 1.500 điểm

Big_Trends: Thị trường rồi sẽ quay lên hướng 1.400 - 1.500 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch với thanh khoản “khổng lồ” hơn 48.200 tỷ đồng đã trở thành phiên giao dịch lớn nhất lịch sử của TTCK Việt Nam.

Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh đột biến có lẽ kém ý nghĩa hơn khi lại là phiên điều chỉnh giảm mạnh 45 điểm và VN-Index tuột mốc hỗ trợ 1.330 – 1.335 điểm kèm theo sự bán mạnh ở nhiều cổ phiếu lớn, cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhiều nhóm ngành.

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, bất động sản, cảng biển… đồng loạt giảm điểm mang đến sự lo ngại lớn về khả năng điều chỉnh sâu tiếp của thị trường. Kịch bản về việc có thể giảm thêm 100 điểm của TTCK đã khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoang mang cũng như là hành động thế nào đối với diễn biến biến thị trường điều chỉnh sắp tới.

Có lẽ nếu chỉ nhìn vào 1 phiên điều chỉnh mạnh của thị trường với thanh khoản cao lịch sử của “mọi thời đại” chúng ta dễ có cái nhìn phiến diện về một phiên “phân phối đỉnh” đánh dấu chuỗi ngày giảm điểm “đau khổ” - Nhiều cổ phiếu chưa kịp “ về bờ” cũng lại một lần nữa lại xa bờ hơn.

Sự chịu đựng thân phận “kẹp hàng” đôi khi cũng có giới hạn và sự khổ sở cùng cực với nỗi lo về việc giảm giá cổ phiếu thêm cũng sẽ khiến nhiều người “mất ăn, mất ngủ” ở những ngày cuối tuần. Một lần nữa, tâm trạng nhà đầu tư lại tiếp tục được thử thách, sự kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu được thử lửa và chỉ ai đã từng trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của thị trường mới có thể hiểu được TTCK đang đi đâu về đâu.

Một phiên giao dịch với số lượng cổ phiếu trao tay có một không hai, cao nhất trên TTCK từ hơn 21 năm kể từ khi được đi vào vận hành và trong bối cảnh dòng tiền lớn đã tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây hóa ra không phải là điều gì quá tệ.

Dòng tiền mua lên tại các cổ phiếu chứng khoán, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu hóa chất, vật liệu xây dựng… cũng rất lớn. Không quá nhiều cổ phiếu bị bán tháo bằng mọi giá bởi dòng tiền mua lên sẵn sàng nhập cuộc giá thấp.

Giả thuyết về diễn biến khó đoán định diễn biến mới về kiểm soát đại dịch Covid-19 tại TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung phần nào cũng gây hoang mang của một số bộ phận nhà đầu tư, hoạt động bán ra có chủ đích ở nhiều cổ phiếu liên quan đến những khoản vay cổ phiếu đến ngày đáo hạn, “dấu hiệu thao túng” trên TTCK Phái sinh khi “kéo/đạp” các cổ phiếu trụ ảnh hưởng đến chỉ số nhóm VN30…

Thuyết âm mưu đã được thêu dệt với nhiều tình tiết ly kỳ nhằm giải thích cho sự kiện giảm điểm mạnh của TTCK trong một ngày giao dịch giống như bao ngày khác.

Các nhà đầu tư có lẽ quên đi mất về việc khó có thể dự báo được về diễn biến TTCK chung và thay vì tập trung vào phân tích đánh giá các cổ phiếu riêng lẻ thì chính họ lại đang tìm kiếm cách thức dự báo xu hướng của thị trường để đưa ra các hành động giao dịch “following trend”.

Chúng ta sẽ thấy khá ít người có thể thành công khi luôn đi theo thị trường và hành động theo việc thị trường tăng thì giao dịch còn thị trường giảm sẽ bán cổ phiếu ra. Chúng ta cũng đã không để ý rằng kể cả thị trường điều chỉnh mạnh thì vẫn có những cổ phiếu đi ngược xu hướng, cổ phiếu vẫn tăng điểm trong các ngày “giông bão”.

Một tư duy đầu tư kiên định, linh hoạt cũng như chỉ chú ý đến những cổ phiếu đạt yêu cầu trong hoạt động phân tích cổ phiếu phổ thông sẽ giúp các nhà đầu tư trụ vững trên TTCK với mục tiêu gặt hái những kết quả đáng kể.

Chiến lược đầu tư mà không cần quá quan tâm đến việc ngày mai thị trường diễn biến thế nào lại hiệu quả hơn, nhìn về góc độ dài hạn hơn là ngắn hạn.

Nhiều cổ phiếu thành công vẫn đã chứng minh đà tăng giá liên tục để lên các mức giá mới cho dù thị trường có điều chỉnh lên xuống nhiều lần thế nào đi nữa. Chắc chắn, nếu ai đó đang đầu tư cổ phiếu còn nghĩ đến việc “họ” đang tháo túng để vùi dập nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ đang cố tình khiến nhà đầu tư “bán hàng” để gom giá thấp… có lẽ cần xem lại về áp dụng tư duy đầu tư nào cho phù hợp.

Hãy vẫn xem lại bản thân mình về cách tiếp cận, đầu tư thế nào mà phần thắng có khả năng nghiêng về mình là nhiều nhất - hãy đánh giá kỹ các cơ hội đầu tư hay giao dịch ngắn hạn để tự đưa ra động thái nắm giữ cho phù hợp và rồi thị trường sẽ còn lên xuống nhiều năm.

VN-Index nếu có tạm chững lại ở vùng 1.330 hoặc lại giảm tiếp về vùng hỗ trợ 1.300 hay 1.230 - 1.250 điểm thì cũng không quá quan trọng. Thị trường rồi cũng lại quay lên hướng lên vùng 1.400 - 1.500 điểm.

Tin bài liên quan