VN-Index tăng hơn 12 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần và vượt luôn vùng 1.080 điểm và hướng lên điểm cao 1.090 – 1.100 điểm, vượt ngoài sự mong đợi và có thể đã khiến rất nhiều nhà đầu tư “bi quan” thay đổi quan điểm.
Đã không ít nhà đầu tư cũng chia sẻ về khả năng giảm sâu của TTCK và “ngại” giao dịch trên TTCK bởi đánh giá còn rất nhiều khó khăn “nội tại” gắn liền với nền kinh tế - Một số “nhận định có cơ sở” dựa trên cả phân tích kỹ thuật chỉ ra có thể 1 nhịp hồi ngắn của thị trường trước khi có thể giảm sâu.
Cuối cùng, tuần giao dịch cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đã phần nào nhấn chìm những quan điểm bi quan nhất – không còn nghi ngờ gì nữa.
TTCK đã bước vào sóng tăng điểm, sẽ vẫn còn các nhịp tăng điểm và tích lũy quanh các vùng cản mạnh 1.100 – 1.150 điểm, nhưng các mốc điểm 1.200 – 1.250 điểm có lẽ sẽ không còn quá xa vời các nhiều nhà đầu tư đã mất hơn 15 tháng kiên trì, qua giai đoạn điều chỉnh kể từ vùng đỉnh 1.500 điểm giai đoạn đầu năm 2022 để thấy lại khoảng khắc hưng phấn này.
Phiên tăng điểm vượt kỳ vọng xác nhận đi kèm cả khối lượng giao dịch tăng kết hợp với diễn biến tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phần nào xác nhận xu hướng đi lên của thị trường và có thể chúng ta sẽ không còn thấy vùng dưới 1.050 – 1.060 điểm trong năm nay.
Dòng tiền chuyển nhanh và liên tục từ các cổ phiếu chứng khoán, dệt may, tiện ích, dầu khí sang các cổ phiếu ngân hàng – từ các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ sang các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhóm cổ phiếu xây dựng, thép, hóa chất có dấu hiệu tích lũy lại sau quá trình điều chỉnh dài trong bối cảnh nhiều cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, dầu khí, chứng khoán đã phát tín hiệu “dẫn sóng”.
Cơ hội đã nhiều hơn, nhiều cổ phiếu đã và đang có dư địa tăng khá SSI, DBC, TCB, BVS, PVS… với sức cầu mạnh có thể khiến nhiều nhà đầu tư có mức sinh lời tốt trong ngắn hạn, tuy nhiên trong quá trình đầu tư việc quản trị danh mục, phân bổ tỷ trọng, điểm mua mới các cổ phiếu trong khi vẫn giảm bán chốt lời, hạ tỷ trọng cổ phiếu yếu không tăng hoặc kém triển vọng cũng là điều mà các nhà đầu tư cần lưu ý.
Thị trường có thể không tăng liên tục nhiều phiên và có những chặng điều chỉnh, tích lũy, thì việc rà soát và điều chỉnh, cơ cấu danh mục 1, 2 tuần 1 lần là cần thiết để luôn đảm bảo việc nắm giữ những cổ phiếu chất lượng có khả năng tăng giá tốt cũng như là cổ phiếu hàng đầu là tâm điểm của dòng tiền.
Bởi cùng 1 xu hướng tăng nhà đầu tư nào có khả năng nhạy bén chọn lựa cổ phiếu tốt hơn, “đánh lớn” hơn, chớp được các cơ hội tăng giá của các cổ phiếu đặc thù sẽ có hiệu quả và thành tích tốt hơn. Bởi nếu tâm lý còn nghi ngại và sự thận trọng quá mức cũng chỉ khiến các nhà đầu tư giải ngân tỷ trọng nhỏ hoặc vào các cổ phiếu “quá an toàn” – hệ quả mức sinh lời lại không được như ý.
Không phải không có lý khi nói rằng đầu tư là nghệ thuật và nhà đầu tư nên có kỹ năng và phải coi mình như là 1 nghệ sĩ để có thể thích ứng với môi trường đầu tư luôn thay đổi – linh hoạt nhưng đòi hỏi sự tập trung – vừa giao dịch ngắn cũng như có tầm nhìn dài thì cũng cần sự kiên định và kỷ luật mới có thể mang lại hiệu quả vượt trội hơn so với mức trung bình.
Cho dù có thể là quá sớm để nói rằng thị trường đã bước vào “uptrend” lớn như ai đó lạc quan đang nói về thị trường, nhưng sẽ không quá muộn để nhận định rằng thị trường đã qua giai đoạn điều chỉnh sâu nhất giai đoạn cuối tháng 11/2022 và sẽ chỉ dao động nằm trên khu vực 1.100 điểm, vận động quanh mốc 1.150 – 1.200 điểm chủ yếu giai đoạn cuối năm.
Chúng ta có thể không quá kỳ vọng nhiều về mặt điểm số là VN-Index phải tăng điểm nhiều, nhưng cái mà nhà đầu tư cần nhất đó là sự ổn định, thị trường tăng điểm tích lũy dần với thanh khoản gia tăng dần về cuối năm - Nhiều cổ phiếu riêng lẻ vẫn tăng điểm “bứt phá” trong khi thị trường leo dần về các điểm cao mới hướng về khu vực đỉnh cũ giai đoạn đầu năm 2022.
Hãy luôn tự tin và mạnh mẽ - hãy lạc quan và sáng suốt giai đoạn cuối năm 2023. Nhiều câu chuyện hay vẫn còn phía trước – nhà đầu tư hãy tận dụng tốt các cơ hội đến với mình.