Đã có những câu mà các nhà đầu tư đang thì thầm với nhau: “Thờ ơ cơ sở - Niềm nở phái sinh” có lẽ đang phản ánh phần nào thực trạng trên TTCK Việt Nam hiện nay.
Hiệu ứng Sell in May đang đi kèm với đà suy giảm thanh khoản trên TTCK. Giao dịch phái sinh đang cho thấy sự tích cực hơn trong khi TTCK cơ sở lại bước vào đợt điều chỉnh mà chưa biết vùng đáy ở 1.300 +/- hay 1.200 hoặc với kịch bản tệ hơn đó là 1.100 điểm.
Tâm trạng lo lắng của những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu giảm điểm, trạng thái danh mục sử dụng đòn bẩy cũng đã khiến không ít nhà đầu tư “ăn không ngon, ngủ không yên” giai đoạn tháng 4 và cả đầu tháng 5.
Quá trình điều chỉnh mạnh bất ngờ cũng đã khiến một bộ phận nhà đầu tư trở tay không kịp hoặc không có kinh nghiệm xử lý, quản lý danh mục hợp lý. Việc kỳ vọng thị trường chỉ điều chỉnh tạm thời càng trở nên xa vời khi quá trình điều chỉnh của các chỉ số chứng khoán dường như đang dài thêm.
Áp lực giảm điểm ở nhiều cổ phiếu lớn, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… đã khiến nhiều nhà đầu tư trở nên bất an hơn và việc bán cổ phiếu giữ tiền đôi khi lại là giải pháp cuối cùng mặc dù có phần muộn màng và họ cũng đã phải trả giá với 1 khoản thua lỗ đáng kể.
Chưa có kinh nghiệm giao dịch hoặc chỉ với tâm thế có tiền để giải ngân trên TTCK mà không có phương án phòng vệ hoặc quản trị rủi ro phù hợp luôn là điều mà các nhà đầu tư F0 gặp phải kể cả các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng đôi khi mắc phải những lỗi “lặp đi lặp lại qua nhiều năm”.
TTCK cũng đã có hơn 15 tháng tăng điểm và đã chạm siêu điểm cao 1.500 – 1.520 điểm – giai đoạn điều chỉnh ít ngờ nhất lại đến ngay trong bối cảnh nhiều thông tin tiêu cực diễn ra trên thị trường mà tình hình lại càng trầm trọng hơn khi áp lực lạm pháp đang đe dọa đà tăng trưởng của nhiều nền kinh tế thế giới mà trong đó có Việt Nam.
TTCK giảm điểm từ 1.520 – 1.530 điểm về quanh mốc 1.325 – 1.330 điểm. Đà giảm điểm của Vn-Index có vẻ vẫn chưa giảm nhiều cho dù nhiều quan điểm “diều hâu” nhận xét là cần phải giảm thêm về vùng 1.100 – 1.200 điểm.
Về lý thuyết TTCK có thể giảm về 1.200 – 1.260 điểm 1 lần nữa hoặc có thể về vùng đáy xấu nhất là 1.100 cho dù xác suất rất thấp cũng hợp lý về lý thuyết nhưng trên thực tế VN-Index có thể tạo đáy ở vùng điểm mà ít người ngờ đến nhất. Cho dù kịch bản tạo đáy ở vùng nào đi nữa hoặc cũng có thể chỉ tạo đáy 2 ở vùng 1.300 – 1.320 điểm thì nhà đầu tư hành động thế nào cũng phải tự bảo vệ mình trước, đó chính là việc cầm tiền hay cầm cổ phiếu gì, danh mục đã thận trọng, an toàn chưa trước những diễn biến xấu của thị trường ngay cả trường hợp tệ nhất.
Ai đó bán cổ phiếu cầm tiền và đứng ngoài “cười” cũng đúng trong ngắn hạn – ai đó đang cầm cổ phiếu tỷ trọng hợp lý, có chọn lọc kỹ cũng có thể sai trong ngắn hạn nhưng lại vẫn đúng trong trung hạn… tất nhiên với tầm nhìn từ nay đến cuối năm. TTCK diễn biến thế nào thì nhà đầu tư cũng không nên quá mạo hiểm mà chỉ nên giao dịch hoặc nắm giữ những cổ phiếu triển vọng.
Quá trình điều chỉnh nào rồi cũng kết thúc bằng đợt hồi phục và tăng giá – quá trình đi lên nào của thị trường cuối cùng cũng đi đến việc điều chỉnh ngắn, điều chỉnh sâu kéo dài. Câu chuyện cuối cùng cần bàn luận đó là chiến lược nào sẽ hiệu quả liên tục trong nhiều năm.
Luôn đi theo thị trường với khả năng nhạy bén, linh hoạt, “nhanh tay nhanh mắt” – hay đầu tư thận trọng, thụ động với phương châm đầu tư giá trị điều chỉnh tỷ trọng 1 số cổ phiếu với sự kiên trì vượt trội, chỉ đầu tư vào cổ phiếu mức giá thấp hấp dẫn hoặc chỉ chọn lựa các cổ phiếu tăng trưởng… phương pháp nào đi nữa cũng cần phải có bài thuốc thử chất lượng khi thị trường giảm điểm cũng như thị trường vào giai đoạn tăng.
Ai đúng, ai sai thì hồi sau sẽ giải đáp nhưng điều chắc chắn đó là thị trường giá xuống cuối cùng sẽ kết thúc vào bằng đợt tăng điểm – Hãy chọn lọc cổ phiếu và đợi thời cơ của mình….