Rõ ràng với diễn biến giảm điểm sâu của nhiều cổ phiếu lớn nhóm tài chính, chứng khoán, ngân hàng và đặc biệt nhiều cổ phiếu bất động sản như PDR, NVL, DIG… đã và đang khiến các nhà đầu tư đã nghĩ đến kịch bản tiêu cực khi VN-Index sẽ giảm tiếp về 900 – 910 điểm hoặc thậm chí vùng 800 +/- giai đoạn tiếp theo.
Các mốc hỗ trợ ngắn hạn được coi là rất mạnh bây giờ đã trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Kinh tế vĩ mô không tệ nhưng diễn biến giao dịch trên TTCK đang đưa ra những tín hiệu bi quan – áp lực bán ra ở nhiều cổ phiếu với khối lượng giao dịch lớn, những tin tức “tiêu cực” đang khiến các nhà đầu tư trở nên mất kiên nhất – ngay cả những nhà đầu tư lạc quan nhất có lẽ đang trở nên lung lay niềm tin với thị trường.
Liệu tình trạng này kéo dài đến bao giờ - thị trường sẽ về các vùng giá không ai có thể nghĩ tới như 800 – 850 điểm hay sâu hơn. Mọi chiến lược dường như không hiệu quả đặc biệt là các giao dịch ngắn hạn – hành động đứng hẳn ngoài thị trường có vẻ vẫn được ưa chuộng hơn – đợi “ cơn bão “ đi qua lúc đó mới có thể tính đến việc quay trở lại giải ngân trở lại.
Qua nhiều giai đoạn thăng trầm trên TTCK thì vẫn có những giai đoạn điều chỉnh tồi tệ như giai đoạn 2007 – 2008 khi VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm và xuống đến mức 235 điểm cuối tháng 2/2009 hay giai đoạn 2018 với mức điểm 1.200 tháng 3 sau gần 2 năm VN-Index giảm gần 1/2 về khu vực 660 điểm.
Trong mỗi pha điều chỉnh lớn, các nhà đầu tư đều hoàn toàn bất ngờ và việc giảm điểm sâu về các mức điểm cũng nằm ngoài mức dự đoán của giới chuyên gia – Cơ hội để bảo toàn vốn qua đợt “khủng hoảng” và tái cơ cấu danh mục với mục tiêu tái đầu tư trở lại sau giai đoạn điều chỉnh khó khăn như thế nào mới là quan trọng.
Cho dù VN-Index có những lúc giảm điểm mạnh về sát vùng 960 điểm nhưng vẫn có đâu đó lực cầu mua lên ở nhiều cổ phiếu cơ bản tốt giảm sâu. Với những người theo đuổi “trường phái bắt đáy” có lẽ cũng đã hy vọng vào việc thị trường giảm sâu và tạo đáy ở 960 – 980 điểm nhưng cũng rất có thể việc kỳ vọng quá vào mức hỗ trợ “mạnh” này cũng sẽ phải bị thử thách bởi nhiều cổ phiếu không tăng đủ mức T+ và đã giảm ngay.
Chiến lược có thể mua ngắn hạn nhưng với tỷ trọng nhỏ và có kiểm soát lại đề cao việc quản lý danh mục – nếu có giải ngân hoặc nắm giữ cổ phiếu cũng sẽ phải rất hạn chế tránh đưa danh mục vào tình trạng cầm quá nhiều cổ phiếu để vô hình chung lại gây cho chúng ta áp lực tâm lý hàng ngày.
Nếu không muốn chịu thử thách “stress test” tâm lý thì nhà đầu tư cũng hoàn toàn có thể lựa chọn việc đứng ngoài để có thể đợi 1 thời gian khi thị trường vào xu hướng tạo đáy thành công và tăng điểm trở lại.
Nghịch lý thay, việc cầm tiền, hành vi cần phải giao dịch cổ phiếu gì đó đang có tín hiệu hoặc đang có vẻ rẻ so với mức định giá cơ bản là tâm lý chung của các nhà đầu tư cho dù họ đang theo đuổi trường phái nào đi nữa.
TTCK có thể biến động tồi tệ hơn nhưng nhiều cổ phiếu có thể không giảm nữa hoặc có những cổ phiếu đã bắt đầu có tín hiệu tăng điểm nhẹ nhàng trở lại – Cơ hội với người này lại có khi đang là rủi ro dưới con mắt của người khác.
Cho dù đang là những người đầu cơ hay đầu tư cổ phiếu cũng đừng nên mất niềm tin vào TTCK, vào các cổ phiếu cơ mà với ngành nghề đặc thù bởi thị trường chung, cổ phiếu chất lượng nào đó, sóng tăng điểm hay sóng giảm cũng sẽ mang tính thời điểm.
Đừng để mất niềm tin vào bản thân và cũng đừng bi quan quá – có khi thị trường giảm sâu lại là cơ hội nếu nhìn dài hơn 1 chút với các nhà đầu tư giá trị bởi chu kỳ giảm sẽ sớm kết thúc để quay lại xu thế tăng – chúng ta có thể không biết thời điểm nào nhưng cũng sẽ sớm thôi – hết quý I hoặc có thể là quý II/2023 điều đó không quan trọng quan trọng đó là chúng ta sẽ làm gì trong quá trình đợi xu hướng tăng điểm của thị trường quay lại.