Big-Trends: Đừng bị khủng hoảng thông tin ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi giao dịch

Big-Trends: Đừng bị khủng hoảng thông tin ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi giao dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã xuất hiện những thông tin tiêu cực đe dọa hoạt động kinh doanh ổn định của một số ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh và phát hành trái phiếu, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng có thể bị ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến nền kinh tế cũng như đến xu hướng, diễn biến giao dịch trên TTCK.

Câu hỏi đặt ra đó là các nhà đầu tư sẽ cần hành động gì trong giai đoạn hiện nay? Có nên phản ứng thái quá rồi dẫn đến những hệ quả không tốt và bán tháo cổ phiếu cho dù chất lượng doanh nghiệp tốt như thế nào.

TTCK có thể giảm mạnh và điều chỉnh sâu ở một số phiên đầu tuần tới nhưng cũng sẽ không khiến các nhà đầu tư sáng suốt lo ngại mà ngược lại thị trường nếu có giảm sâu về 950 – 960x hoặc tệ hơn nếu có (với xác suất rất thấp) về quanh mốc 900 – 910 điểm thì cũng sẽ là cơ hội cho cho việc mua gom các cổ phiếu đang bị bán giá “khuyến mại” rất sâu.

Đã từng nhiều lần trong quá khứ như sự kiện “Bầu Kiên” ngày 21/08/2012 hay những vụ “bê bối” liên quan đến ông Hà Văn Thắm ngày 24/10/2021, hay việc ông Trần Bắc Hà bị bắt ngày 29/11/2018 thì TTCK cũng đã có những phiên rơi mạnh nhưng sau đó một thời gian thị trường sẽ theo một cách nào đã hồi phục mạnh trở lại và thậm chí vượt đỉnh mới.

TTCK vẫn luôn vận động lên xuống theo 1 chu kỳ khó đoán định với một biên độ lớn/nhỏ đã phản ánh đặc điểm là nhiều thông tin tốt/xấu – hành vi nhà đầu tư luôn tác động 2 chiều và việc giao dịch luôn đi theo thị trường kiểu này đã khiến rất nhiều nhà đầu tư luôn phải mắc sai lầm với nhiều bài học “chưa thuộc” và nhà đầu tư sẽ lại luôn đổ lỗi cho những yếu tố ngoại cảnh, tin đồn bắt bớ đã khiến họ “mất tiền”.

Nhà đầu tư sẽ không thừa nhận việc đầu tư sai địa chỉ, lạm dụng đòn bẩy tài chính và hành động “quá tham lam” khi thị trường tăng hoặc sợ hãi quá mức khi thị trường giảm dẫn đến việc giao dịch thua lỗ liên tục.

Quá trình tiếp cận thị trường nếu bạn nhìn thị trường như 1 “chiếu bạc” thì bạn cũng sẽ hành động như các con bạc với sự mạo hiểm hay đặt cược quá mức và những khả năng mà khả năng thắng ngang hoặc thấp hơn với khả năng thua.

Đầu tư chứng khoán nếu đúng hàm ý và ý nghĩa của nó thì nhà đầu tư sẽ phải chơi cuộc chơi và chỉ tham gia vào những cơ hội mà khả năng chiến thắng của họ là cao nhất. Có nghĩa là, họ phải chọn lựa kỹ các cơ hội đầu tư, kể cả thời điểm và mức giá họ mua vào. Tất nhiên, thời gian cũng là điều phải tính đến nếu họ nắm giữ các cổ phiếu được coi rẻ điển hình thì việc mua và để một khoảng thời gian để thị trường định giá đúng giá trị cổ phiếu đó cũng là điều cần thiết.

Nhà đầu tư đôi khi nhầm lẫn về đầu tư và đầu cơ, và chắc chắn cũng luôn sai về định nghĩa thế nào là cổ phiếu tốt. Cổ phiếu sẽ có nhiều cơ hội tăng giá trong một khoảng thời gian mà nhà đầu tư nắm giữ và nhà đầu tư cũng cần nhận biết được khi nào nên bán cổ phiếu đó ra nếu nó giảm giá hoặc lên như kỳ vọng, hoặc tăng giá thế nào thì nên giảm tỷ trọng và bán hết.

Có lẽ có quá nhiều kỹ năng mà nhà đầu tư cần trau dồi, học tập, và việc tư duy lại phong cách đầu tư, chiến lược đầu tư của mình trước khi đổ lỗi cho các tin đồn bắt bớ, TTCK phái sinh hay thời gian giao dịch T+2, hay các lý do abc nào đó.

VN-Index có thể giảm ở một số phiên đầu tuần, nhưng khả năng bật mạnh trở lại cũng có thể diễn ra ngay sau đó.

Giai đoạn này, nhà đầu tư cần bình tĩnh và ưu tiên việc quản lý danh mục đầu tư an toàn.
Một câu nói khá nổi tiếng đó là khi đầu tư bạn hãy cứ nghiên cứu từng cơ hội, đánh giá các cổ phiếu thận trọng và đừng bị khủng hoảng thông tin ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi giao dịch của mình.

Hãy kiểm soát những tiếng nói văng vẳng – Mua mua bán bán mà TTCK luôn nói với chúng ta hàng ngày mà hãy đầu tư chậm hơn, tâm lý đầu tư ổn định thận trọng hơn thì hiệu quả đầu tư cũng sẽ đến.

Tin bài liên quan