Mọi thứ dường như đang đi đúng quy luật của nó phản ánh yếu tố thời điểm, chu kỳ tăng giảm và điều chỉnh trùng khớp với bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP. HCM, Hà Nội, những mối lo ngại đến từ kinh tế vĩ mô, nợ xấu hệ thống ngân hàng, những áp dụng lệnh giãn cách mới…
VN-Index đã tăng và chạm điểm cao 1.420 1.430 điểm - đây là vùng kháng cự rất mạnh và tại các điểm cao này thường diễn ra những giai đoạn điều chỉnh sâu và dài kéo dài. Nỗi lo sợ đã trở nên hiện thực khi TTCK nhanh chóng rời mốc 1.420 và điều chỉnh sâu về vùng 1.345 - 1.350 điểm.
Quá trình tăng điểm từ khu vực 1.380 lên 1.425 điểm trước đó tín hiệu đáng báo động thể hiện rõ ở những phiên thanh khoản thấp, một số cổ phiếu nhóm 30 tăng nhưng số lượng lớn cổ phiếu vốn quá vừa và nhỏ đã điều chỉnh.
Vài cổ phiếu lớn như MSN, PNJ, FPT, MWG tăng điểm đã khiến nhà đầu tư phần nào mất cảnh giác về xu thế điều chỉnh của thị trường mà quên đi rằng nhiều cổ phiếu đã trong tình trạng khá báo động. Nhà đầu tư cần phải có kế hoạch tái cơ cấu, giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Điều chắc chắn có thể nói là thị trường đã bước vào giai đoạn điều chỉnh lớn. Câu hỏi đặt ra đó là nếu các chỉ số chứng khoán đã đi vào giai đoạn giảm điểm thì việc giảm điểm sẽ tiếp tục thế nào và mức sâu tối đa là bao nhiêu.
Việc VN-Index giữ được mốc 1.335 điểm là thành công nhưng nếu không giữ được điểm cao này thì nỗi sợ việc giảm về khu vực 1.250 – 1.280 là hoàn toàn khả thi chứ chưa muốn nói là có thể giảm tiếp về khu vực 1.200 – 1.220 điểm.
Trong đầu tư cổ phiếu thì nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho mình 1 kịch bản xấu nhất đó là trong mọi hoàn cảnh thì danh mục đầu tư của mình liệu có bị “ảnh hưởng” nhiều không? Tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ có quá cao không? Tỷ lệ sử dụng margin như thế nào?
Giải pháp thường được cho là hữu hiệu hơn cả đó là mạnh tay giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp nhất có thể bởi nếu còn ít cơ hội tăng điểm thì việc giao dịch ngắn hạn sẽ không nên quá kỳ vọng về sự phục hồi nhanh sau đó nếu thị trường điều chỉnh mà xác suất điều chỉnh sâu và dài là dễ xẩy ra hơn cả.
Hành động nhanh và quyết đoán điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục không là điều dễ dàng đối với các nhà đầu tư mới và ít kinh nghiệm.
Tâm lý bảo thủ, tâm lý sợ lỗ hay tâm lý hy vọng thị trường sẽ hồi phục trả lại để bán hòa hoặc bán lãi sẽ áp chế và quên đi sự vận động tiêu cực của thị trường đang diễn ra.
Quả thật là sẽ khó khăn để đưa ra các quyết định bán khi mà mỗi nhà đầu tư đang đối mặt với nhiều suy tính, quan điểm riêng về thị trường chung cũng như về các cổ phiếu riêng lẻ.
Quan điểm thị trường sẽ còn tăng một đoạn rồi mới điều chỉnh, quan điểm về cổ phiếu tốt, cổ phiếu có thông tin hỗ trợ cũng để phần nào trấn an, hỗ trợ cho động thái mua vào và nắm giữ cổ phiếu.
Cuối cùng thì các nhà đầu tư cũng sẽ nhận ra chiến lược đầu tư, đầu cơ nào vừa thận trọng, vừa an toàn và đảm bảo hiệu quả liên tục qua nhiều năm mới là mục tiêu hướng tới. Các tiêu chí giao dịch “đánh quả”, giao dịch mạo hiểm sẽ không chỉ khiến hiệu quả đầu tư không cao mà đôi khi lại gây thiệt hại.
Ngay lúc này, hãy mạnh dạn hành động đúng và sửa chữa những sai lầm. Cơ hội sẽ còn quay lại, còn nhiều và liên tục xuất hiện trong nhiều năm.
Hãy giữ tâm lý đầu tư vững vàng, đặt niềm tin vào sự phát triển trong dài hạn của thị trường, của các cổ phiếu riêng lẻ để có thể đưa ra việc nắm giữa cổ phiếu với thời gian nắm giữ phù hợp.