Bất chấp những thông tin tiêu cực, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, chứng khoán thế giới đã có những phiên hồi phục tốt. Chỉ số chứng khoán Dow Jones đã quay trở lại mốc 25.000 điểm, S&P 500 quay lại vùng 2.800 điểm hoặc Nikkei 225 cũng đã hồi phục mạnh mẽ.
Trái lại với những dự báo tiêu cực của các chuyên gia, TTCK thế giới đang phát đi tín hiệu tốt, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
TTCK Việt Nam cũng đã hồi phục tốt vào 2 phiên cuối tuần qua và dường như đã tạo đáy ngắn hạn ở vùng điểm 890 - 910 điểm, hứa hẹn các phiên tăng điểm đầu tuần tới.
Phải nói rằng, tâm lý nhà đầu tư hiện nay đã xuống thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm, điều đó thể hiện qua thanh khoản, dòng tiền tham gia vào thị trường. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… cần thu hút dòng tiền đầu tư nội và ngoại hơn để có thể kéo VN-Index quay trở lại xu hướng tăng.
Vậy điều gì đang khiến nhà đầu tư lo lắng và chưa dám mạnh dạn quay lại thị trường, xu hướng thị trường hiện nay thế nào? Đã rơi vào downtrend chưa hay giai đoạn vừa qua chỉ là điều chỉnh dài hơn dự kiến? Yếu tố nào chi phối thị trường hiện nay?
Để giải đáp các câu hỏi trên, chúng ta hãy đi ngược lại thời điểm hồi đầu năm 2018 để tìm hiểu cặn kẽ điều gì đang khiến thị trường rơi vào trạng thái bi quan hơn là lạc quan như hiện nay, mặc dù sức khỏe kinh tế Việt Nam vẫn tốt.
Có lẽ, nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá đúng tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cho rằng hệ quả của chiến tranh thương mại sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. So sánh số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang xếp thứ 5 các nước có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ (khoảng 45 tỷ USD). Trung Quốc cũng là một đối tác lớn cũng có quan hệ mậu dịch với Việt Nam và việc Mỹ áp thuế lên các mặt hàng trị giá 200 tỷ USD xuất từ Trung Quốc (bước đầu đã áp thuế 25% với hàng hóa giá trị 34 tỷ USD từ 6/7 vừa qua) và những hành động đáp trả Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của Bloomberg, tăng trưởng của Việt Nam có thể giảm từ 0,5 - 1,2% GDP. Nhưng nếu so sánh số liệu các nước trong khu vực, thì Philippine, Malaysia mới là những nước bị ảnh hưởng mạnh hơn, còn Việt Nam là nước bị tác động ít nhất.
Bên cạnh đó, câu chuyện đồng USD tăng giá, lạm phát gia tăng, tỷ giá tăng cũng là nguyên nhân khiến bất ổn kinh tế gia tăng, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nói chung. Tỷ giá tăng tất nhiên có những ngành nghề gặp không ít bất lợi - những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu thô phục vụ sản xuất kinh doanh hay có vay ngoại tệ mạnh, sẽ bị ảnh hưởng, như nhóm doanh nghiệp thuộc ngành dược, cao su săm lốp, điện, xi măng, nhựa… Tuy nhiên, cũng có những ngành được hưởng lợi như thủy sản, dệt may, dầu khí, công nghệ thông tin.
Ngoài ra việc khối ngoại bán ròng đáng lo ngại nhưng không đến mức báo động, bởi theo số liệu thống kê kể từ đầu năm đã chỉ ra khối ngoại đang mua ròng trên HOSE và bán ròng trên HNX với con số lần lượt là khoảng 6.200 tỷ đồng và 2.200 tỷ đồng.
Như vậy, khó khăn vẫn còn đó, TTCK điều chỉnh trong bối cảnh những thông tin tiêu cực vẫn lan tràn, ảnh hưởng khó lường bởi chiến tranh thương mại, diễn biến giao dịch của khối ngoại. Điều mà chúng ta nên chú ý hiện nay, đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang ổn định, TTCK vẫn đang được đánh giá hấp dẫn so với các nước trong khu vực khi điều chỉnh về mốc P/E 17 - 17.5.
Nhìn từ tín hiệu kỹ thuật cũng đang cho thấy, VN-Index tạo đáy ngắn hạn quanh vùng 900 (+/- 10 điểm) và đây có thể nói là vùng hỗ trợ tạm thời của thị trường. Nếu mốc điểm này không xuất hiện những phiên phục hồi mạnh kèm thanh khoản gia tăng thì nhà đầu tư vẫn nên cảnh giác cao độ TTCK hoàn toàn có khả năng rơi về vùng 860 và 750 điểm trong 1 – 2 tháng tới.
Phương pháp lựa chọn cổ phiếu cần chọn lọc kỹ càng hơn và chắc chắn sẽ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư giá trị mua vào trong giai đoạn thị trường bi quan nhất.