1,05 tỷ USD mua Big C Việt Nam
Tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat đã vượt qua một loạt các đối thủ nặng ký trong và ngoài nước để sở hữu Big C Việt Nam.
Hãng tin Reuters cho biết, Tập đoàn Casino của Pháp đã đồng ý bán số cổ phần đa số ở Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group.
Casino tiết lộ giá trị Big C Việt Nam đạt 1 tỷ euro (tương đương 1,14 tỷ USD).
Hồi tháng 2/2016, TCC Group đã vượt qua Central Group để mua lại số cổ phần đa số của Casino ở Big C Thái Lan với giá 3,1 tỷ euro (tương đương 3,53 tỷ USD).
Trong cuộc đua thâu tóm Big C Việt Nam, hàng loạt các đại gia trong và ngoài nước đã tham gia, từ “ông lớn” ngành bán lẻ từ Nhật Bản như Aeon, hay Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, hay đại gia nội như: Công ty Cổ phần Thăng Long GTC (thành viên của Hanoitourist), Saigon Coop,...
Central Group của Thái Lan là một gương mặt quen thuộc tại Việt Nam. Tập đoàn Thái này là đơn vị mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, và gần đây làZalora Việt Nam,...
Với hệ thống rộng khắp Thái Lan và mở rộng sang các nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia,... tập đoàn này có tổng tài sản gần 10 tỷ USD với hệ thống bán lẻ gồm các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng ở nhiều quốc gia, tổng số lao động hơn 70.000 người.
Trong vài năm gần đây, hàng loạt các ông lớn trong ngành bán lẻ đã đổ xô đến Việt Nam. Theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt dung lượng 100 tỷ USD vào năm 2016.
Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam là chuỗi bán lẻ đầu tư nước ngoài có nhiều điểm bán nhất với 32 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khi đó, Metro Cash & Carry Việt Nam hiện diện tại Việt Nam từ năm 2002 với 19 trung tâm trên cả nước với 3.300 nhân viên.
Saigon Co.op mua hụt
Saigon Co.op là một trong những doanh nghiệp nội có thế mạnh để mua lại Big C Việt Nam, lọt vào vòng cuối cùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ nội lại gặp khó khăn vì cơ chế chính sách đầu tư nước ngoài cản trở.
Chia sẻ tại hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp diễn ra tại TP.HCM sáng 29/4, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, chia sẻ, các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp bán lẻ đối với các đơn vị có yếu tố nước ngoài diễn ra khá thuận lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước muốn làm được phải trải qua rất nhiều quy trình, như xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài vì các thương vụ hiện đều diễn ra ở nước ngoài.
Ông Dũng cho hay, Saigon Co.op đã vào vòng đàm phán cuối cùng với một đơn vị của Thái Lan. Nhưng phía bán cũng nêu khó khăn là thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt ở châu Âu, họ lo ngại liệu Sài Gòn Co.op có xin được giấy phép hay không?
“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ được ủng hộ, nhưng phía bạn lo âu và đã đặt chúng tôi vào tình thế khó khăn hơn đối thủ cạnh tranh”, ông nói.
Ông Diệp Dũng
Theo ông Dũng, doanh nghiệp và thị trường bán lẻ trong nước còn non trẻ, chính vì thế khi tham gia hội nhập Việt Nam có các quy định về bảo vệ các bán lẻ trong nước, tuy nhiên, việc cụ thể hóa và chiến lược phát triển bán lẻ trong nước còn chậm. “Các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh một cách công bằng và chúng ta đang ở trong thế yếu, vì thế chúng ta cần tận dụng bằng được những gì chúng ta có được”, ông Dũng kiến nghị.
Tuy nhiên, thương vụ mua bán đã hoàn tất, Saigon Co.op đã chậm chân.
Nhiều chuyên gia Việt gần đây lo ngại, cuộc chiến bán lẻ tại Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt. Các DN bán lẻ Việt ngày càng yếu thế khi mà người Thái cũng như Nhật, Hàn đang dọn chỗ bán hàng hết sức chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Gần đây, hàng Thái đổ bộ vào Việt Nam với hầu hết các ngành hàng, từ bánh kẹo cho tới hàng hóa xa xỉ. Nhiều DN Việt có thể sẽ gặp khó khăn khi muốn đem hàng vào bán tại các hệ thống siêu thị do người Thái sở hữu.