Big 4 ngân hàng sẽ lãi tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chuyên gia phân tích, trong năm nay, các ngân hàng quốc doanh không còn phải sử dụng một phần thu nhập lãi để hỗ trợ nền kinh tế như năm 2021, nên lợi nhuận dự báo sẽ tăng mạnh.

Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều ngân hàng công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu bị pha loãng, vì vậy, sức hấp dẫn của nhóm này cũng kém hơn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét, nhà đầu tư có hai lo ngại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng là nợ xấu và phần phát hành tăng vốn sắp tới của ngân hàng.

Thực tế đã chứng minh, khi doanh nghiệp phát hành tăng vốn mạnh sẽ không có lợi cho nhóm cổ phiếu đó. Nhìn vào nhóm cổ phiếu chứng khoán thời gian qua, có thể thấy sau khi SSI, VND, SHS phát hành tăng vốn thì đà tăng của giá cổ phiếu cũng dừng lại, hoặc tăng rất chậm, nên việc nhiều ngân hàng phát hành tăng vốn, nhà đầu tư lo lắng nhiều hơn.

Thực tế, Ngân hàng TMCP Quân đội (mã MBB) đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng trong năm 2022. Năm nay, MBB sẽ thực hiện tăng vốn thông qua kế hoạch phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 20%) và chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ. với giá bán thoả thuận không thấp hơn giá trị sổ sách.

Với riêng MBB, nhà đầu tư có một lo lắng nữa là tới đây ngân hàng này nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém. Trong lịch sử, Sacombank nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và đến nay vẫn chưa khắc phục hết các vấn đề tồn đọng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB) cũng công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ đồng, thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ và phát hành ESOP.

Ngân hàng Vietcombank dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 18,1%, sau khi hoàn tất vốn điều lệ của VCB sẽ tăng lên 55.891 tỷ đồng. Đại hội cổ đồng thường niên của LienVietPostBank cũng đã thông qua phương án tăng vốn thêm 6.213 tỷ đồng bằng việc trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, theo một chuyên gia phân tích, đây vẫn là nhóm có tăng trưởng tốt. Nhìn về định giá, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng đã có P/B 1 - 1,5 lần, thấp hơn so với đỉnh hồi quý IV/2021 và quý I/2022. Nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Với ngân hàng quốc doanh, năm nay không còn phải sử dụng một phần thu nhập lãi để hỗ trợ nền kinh tế và hỗ trợ lãi suất thấp này sẽ tăng mạnh.

Còn ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam, ngành ngân hàng có sự tăng trưởng cao hơn tốc độ chung của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng thường cao gấp 2 - 3 lần GDP. Đây cũng chính là cái lõi để giúp cho ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.

Năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ tăng 14%, cao hơn so với năm 2021 khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu tăng trở lại. Nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 cho thấy sự lạc quan vào tăng trưởng, đặc biệt ở khối doanh nghiệp tư nhân.

Giới chuyên gia nhận định cơ hội ở nhóm cổ phiếu này vẫn lớn, nhất là sau đợt điều chỉnh giảm mạnh vừa qua, giờ là lúc nên mua vào và lựa chọn cổ phiếu để tích lũy theo các tiêu chí: có tăng trưởng tốt, có quản trị tốt, thị giá tốt.

Một số cổ phiếu được giới phân tích đưa ra khuyến nghị trong nhóm này là VPB, TCB, VIB, ACB… Đà giảm sâu vừa qua là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ với những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Tin bài liên quan