Big 4 hẹp cửa tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
Việc tăng vốn chủ yếu dựa vào vốn ngân sách hoặc lợi nhuận để lại khiến các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Big 4) vẫn loay hoay với tình trạng mỏng vốn.
Big 4 hẹp cửa tăng vốn

Cửa tăng vốn hạn hẹp, an toàn vốn chỉ ở mức tối thiếu

Trong khi các ngân hàng TMCP tư nhân rầm rộ tăng vốn suốt nhiều năm qua, thì vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) lại tăng rất chậm. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, nhóm Big 4 chiếm 40-41% thị phần tín dụng và tổng tài sản toàn hệ thống, song vốn điều lệ chỉ chiếm hơn 23% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống.

Vốn tăng chậm trong khi tổng tài sản tăng nhanh khiến Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện chỉ đứng ở mức 8,87% tại thời điểm cuối tháng 6/2022, nhỉnh hơn một chút so với quy định tối thiểu là 8% (với các ngân hàng đạt chuẩn Basel 2). Tỷ lệ này tại khối ngân hàng TMCP tư nhân là gần 12%. Hệ số CAR thấp khiến các ngân hàng có vốn nhà nước ngày càng bị co hẹp thị phần tín dụng (giảm từ trên 50% xuống còn 40%).

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, CAR của các ngân hàng quốc doanh Việt Nam thua xa CAR bình quân các ngân hàng tại các thị trường lớn trong khu vực ASEAN (hiện khoảng 19,4%). Để duy trì hệ số CAR trên 10%, theo Fitch, hệ thống ngân hàng Việt Nam - chủ yếu là nhóm Big 4 - cần bổ sung hơn 10 tỷ USD.

Nhằm cải thiện tình trạng mỏng vốn, suốt 5-6 năm qua, nhóm Big 4 kiên trì kiến nghị NHNN và Bộ Tài chính cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, thay vì chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy vậy, các năm gần đây, nhóm ngân hàng này vẫn phải chia cổ tức tiền mặt. Riêng năm nay, nhiều khả năng nhóm sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn (phương án chia cổ tức năm 2021 vẫn chưa được Bộ Tài chính phê duyệt)

NHNN cho biết, đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước. Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

“Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống”, NHNN đã nêu tính cấp thiết của việc tăng vốn cho nhóm ngân hàng có vốn nhà nước trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, hệ số CAR riêng lẻ của BIDV là 8,6%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần. BIDV đang chịu áp lực tăng vốn rất lớn khi tiếp tục thực hiện chuẩn mực Basel 2 nâng cao và Basel 3. Ngoài ra, Ngân hàng còn đối mặt với áp lực duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2022-2023 (giai đoạn Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội). Mục tiêu BIDV đặt ra đến năm 2027 là hệ số CAR đạt 12-13%, một con số vô cùng thách thức nếu Chính phủ không có giải pháp mạnh tay hơn.

Trong nhóm Big 4, Vietcombank là ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt nhất. Mặc dù vậy, Hệ số CAR tại Vietcombank cuối năm 2021 chỉ ở mức 9,4%, cao hơn mức tối thiểu theo quy định 1,4 điểm phần trăm và thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thua xa các ngân hàng trong khu vực.

Lãnh đạo Vietcombank khẳng định, hạn chế về vốn sẽ kéo theo sự hạn chế năng lực của ngân hàng trong việc mở rộng kinh doanh, cung ứng vốn cho nền kinh tế, giảm sút thị phần huy động vốn, tín dụng và có nguy cơ làm suy yếu vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại nhà nước. Bên cạnh đó, mỏng vốn so với các ngân hàng khu vực cũng khiến Vietcombank khó khăn nếu muốn niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài. Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài (Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018).

Tuy nhiên, nan giải nhất trong việc tăng vốn hiện nay là Agribank, do vẫn chưa được cổ phần hóa, việc tăng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách. Agribank đang đặt mục tiêu tăng vốn trung bình 5.000 tỷ đồng/năm từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, mục tiêu này khó khả thi trong bối cảnh ngân sách eo hẹp.

Nếu không được khẩn trương cổ phần hóa và không được ngân sách cấp vốn, Agribank sẽ rất khó tăng vốn, nguy cơ Hệ số CAR không đạt yêu cầu là rất lớn, ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng cho lĩnh vực tam nông và cả nền kinh tế. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng là cần thiết để Ngân hàng duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất với là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Vướng mắc cổ phần hóa, nới room

Những năm trước đây, các ngân hàng thương mại nước ta, kể cả ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng tư nhân, tăng mạnh vốn điều lệ chủ yếu nhờ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, “room” vốn ngoại của nhóm Big 4 đã gần cạn. Ngoại trừ BIDV vẫn còn room ngoại 13,2% - dư địa khá lớn để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, thì VietinBank đã gần cạn room vốn ngoại, trong khi Vietcombank chỉ còn 6,4%.

Đầu năm nay, lãnh đạo Vietcombank đề nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Ngân hàng tiếp tục tăng vốn bằng cách cho phép giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu và có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%. Tuy vậy, ngay cả khi room ngoại vẫn còn, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược gắn bó lâu dài là không dễ. Vietcombank nhiều năm liền ngỏ ý bán hơn 6% vốn còn lại cho đối tác chiến lược nước ngoài, song đến nay vẫn bất thành.

BIDV cũng chưa thể phủ kín room vốn ngoại. Ngay cả Agribank, nếu được cổ phần hóa thành công, việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài cũng không dễ dàng. Chủ tịch Agribank từng đề nghị cổ phần hóa chia làm 2 bước: bước 1 là bán cổ phần cho cán bộ, nhân viên; bước 2 (vài năm sau) mới lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài.

Mặc dù việc bán vốn cho cổ đông ngoại để giải quyết bài toán tăng vốn là nhu cầu bức thiết của các ngân hàng, song theo ông Trần Tánh, Phó trưởng phòng Phòng Phân tích và Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yunata, thị trường chứng khoán hiện nay (giá cổ phiếu ngân hàng giảm sâu) không phù hợp cho ngân hàng bán vốn, ngoại trừ các ngân hàng quá kẹt vốn.

Ngay cả khi thị trường chứng khoán thuận lợi, việc nới thêm room vốn ngoại cho Big 4 dễ bề tăng vốn vẫn gây tranh cãi. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, room vốn ngoại ít ỏi sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài, do đó việc nới room ngoại là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phải rất cân nhắc việc nới thêm room ngoại với nhóm Big 4.

Thực tế, giai đoạn Covid-19 vừa qua cho thấy, các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 là lực lượng chủ lực hỗ trợ nền kinh tế, trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Nói cách khác, tiếp tục giữ vốn nhà nước chủ đạo ở nhóm ngân hàng Big 4 rất quan trọng với nền kinh tế, điều này thấy rõ qua các giai đoạn khủng hoảng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng quá sớm dẫn tới nhiều bất cập. Hệ lụy lớn nhất là các ngân hàng tư nhân cùng với các doanh nghiệp sân sau - phần lớn là bất động sản - đổ quá nhiều vốn vào bất động sản, thay vì sản xuất. Tình trạng này đẩy giá đất tăng phi mã, vốn không chảy vào sản xuất - kinh doanh… Nếu Nhà nước tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ tại nhóm Big 4, thì định hướng của Nhà nước với dòng vốn là rất khó.

“Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, không nên vội vã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng, vì giai đoạn công nghiệp hóa rất cần dồn tiềm lực tài chính vào một số trọng tâm. Trong khi đó, Việt Nam đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng khá sớm, chỉ còn 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, tôi cho rằng, không nên mở quá mạnh room vốn ngoại cho các ngân hàng này, nếu không, chúng ta không thể dồn tiềm lực tài chính cho một số lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước”, ông Nghĩa cảnh báo.

Chuyên gia này cho rằng, để củng cố sức mạnh của ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Chính phủ nên có chiến lược tăng vốn dài hơi cho các ngân hàng này, thay vì “ăn đong” xin cơ chế từng năm một.

Theo tính toán của NHNN, 1 đồng tăng vốn cho tổ chức tín dụng có thể giúp tăng tới 8 lần dư nợ cho nền kinh tế. Chính vì vậy, trong bối cảnh room vốn ngoại ít ỏi, việc nới room cần được cân nhắc kỹ lưỡng, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ vẫn nên ưu tiên giải pháp tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại của các ngân hàng.

Chỉ khi có nền tảng vốn vững mạnh, Big 4 mới có thể hỗ trợ tốt cho nền kinh tế

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Quy mô vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm lại, trong khi tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh, chưa kể áp lực tuân thủ Basel 3, Basel 3,5… khiến nhu cầu tăng vốn với các ngân hàng này là rất lớn, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung, dài hạn. Việc cho phép các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giữ lại lợi nhuận để tăng vốn sẽ khiến ngân sách khó khăn, song ngay cả trong trường hợp này, vẫn cần bố trí nguồn ngân sách phù hợp để tăng vốn. Bởi chỉ khi có nền tảng vốn vững mạnh, các ngân hàng có vốn nhà nước mới có thể hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan