Hôm nay (11/10), Agribank công bố biểu lãi suất mới, điều chỉnh giảm 0,2% tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Cụ thể, kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,5% xuống 3,3%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng giảm từ 4,5% xuống 4,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên là 5,3%/năm.
Tiếp theo Agribank, VietinBank và BIDV công bố mức lãi suất tương tự. Đây cũng là các mức lãi suất mà Vietcombank áp dụng vào ngày 3/10 trước đó.
Như vậy, sau hơn 1 tuần Vietcombank giảm lãi suất huy động, toàn bộ nhóm ngân hàng big 4 (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank) đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19 (nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022).
Đây cũng là lần thứ hai trong tháng, các ngân hàng trong nhóm big 4 giảm lãi suất huy động. Hiện nhóm big 4 chiếm gần 50% thị phần huy động và tín dụng, việc giảm lãi suất của nhóm ngân hàng này kỳ vọng sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm thời gian tới.
Trong phiên hôm qua (10/10), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 6/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%, giảm so với hai phiên đầu tuần là 1,28% và 1%. Đây cũng là mức lãi suất trúng thầu tín phiếu thấp nhất kể đầu tháng 10 tới nay.
Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã cao gấp 6 lần thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu.
Theo báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi tới Quốc hội, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Các tổ chức tín dụng đã đưa ra các cam kết giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng trong năm 2023 với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm với dư nợ hiện hữu và cam kết sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng giải ngân mới trong các tháng cuối năm. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đã và đang được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay; Doanh nghiệp và người dân đang dần tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.
Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước và cam kết giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, thì dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.