Biết mình, biết người…

(ĐTCK-online) Lâu nay, nói về cái sự biết, sự khôn ở đời, người ta hay dẫn câu của Tôn Tử rằng, "biết mình, biết người trăm trận trăm thắng". Mình nhiều khi cũng nói lấy được, nhưng đôi lúc trong lòng lại thấy bán tín bán nghi: chả lẽ cái việc biết mình, biết người lại có thể làm cho yếu thành mạnh, bại thành thắng được hay sao? Đến vừa rồi, xem lại cuốn Binh pháp Tôn tử, thấy giật mình...

Thực tế thì Binh pháp Tôn Tử có 13 thiên, trong thiên thứ 3 (Mưu công) có bàn về việc này. Câu trên nguyên văn là: "Tri bỉ tri kỷ giả, bách chiến bất đãi, bất tri bỉ nhi tri kỷ, nhất thắng nhất phụ, bất tri bỉ bất tri kỷ, mỗi chiến tất đãi". Có nghĩa là, "biết địch biết ta, trăm trận không bại, biết ta mà không biết địch trận thắng trận bại, không biết địch không biết ta, trận nào cũng bại". Mà "trăm trận không bại" nhẽ đâu có thể là "trăm trận trăm thắng", cũng có những trận hòa chứ nhỉ?

Lại thêm một lần giật mình, bởi dẫu là nhà đầu tư cá nhân thuộc vào dạng "chẳng thể nhỏ hơn", nhưng ít ra cũng đã nếm đủ ngọt đắng của TTCK từ cái ngày cơ quan quản lý còn "vò đầu bứt tai" nghĩ cách… tạo hàng. Thế nhưng, đến bây giờ cái tâm lý "một xanh cỏ, hai đỏ ngực" trong (nếu có thể gọi là) chiến lược đầu tư của mình còn nặng lắm. Âu cũng là một cách hiểu "trăm trận, trận nào cũng phải thắng" mà ra cả. Cái bệnh đầu tiên của dân nhỏ lẻ như mình là ưa lướt lát. Vài trận vào - ra đầu sóng ăn vừa vừa (kiểu như chiều tay mới), chạy ra thật nhanh và vui sướng âm ỉ khi con sóng mới lăn tăn. Mấy ngày ngồi ngoài thấy thị trường vẫn lên ầm ầm, người bán người mua hể hả. Vẫn kiên nhẫn đứng ngoài. Đến lúc thấy "hàng" mình nhả ra đã lên cả trăm phần trăm thì đồng tiền cứ muốn "xé túi", nhảy ra đánh đu cùng thị trường. Ấy là lúc bập vào… đúng đỉnh!

Cái "bệnh" thứ hai của mình (mà tự hứa mãi vẫn không sửa nổi) là tưởng rằng khôn hơn thị trường. Thì cũng biết địch (lần mò thị trường, tìm kiếm dòng tiền, hóng hớt tin đồn…), biết ta (hóng phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, đọc báo cáo tài chính…), nhưng cái bệnh "đã ra trận là phải thắng" khiến nhà đầu tư "cỏ" như mình có lâu năm cũng chỉ biến thành… cỏ già thôi!

Bây giờ mới ngộ ra, nhiều lúc nằm im cũng là một cách đầu tư khôn ngoan. Tôn Tử bảo rằng, "Đại phàm cái phép dụng binh, đánh thành là biện pháp bất đắc dĩ, chế tạo chiến xa, vũ khí phải mất 3 tháng mới hoàn thành, chuẩn bị binh mã lại mất 3 tháng nữa. Tướng sốt ruột xua quân đánh thành, thương vong 3 phần mất 1 mà vẫn chưa hạ được. Đó chính là cái hại của việc đánh thành. Cho nên, phép dụng binh, gấp mười lần địch thì bao vây, gấp năm lần địch thì tấn công, gấp đôi chì chia ra mà đánh, bằng địch thì phải đánh khéo, kém địch thì rút, tránh giao tranh với địch. Binh yếu mà đánh thẳng tất bị bắt làm tù binh".  Trong "chứng trường" khốc liệt bây giờ, có khi bảo toàn vốn cũng có thể coi là hơn một trận hòa rồi. Nói vậy chắc sẽ có bạn bảo rằng, chứng khoán không dành cho người… nhát gan, nếu cứ lo bảo toàn vốn thì đem tiền gửi tiết kiệm là chắc ăn nhất. Nhưng đến phiên cuối tuần rồi, khi chứng kiến cái cảnh trắng bên mua hàng loạt đã lâu mới có, thì nỗi sợ của những ngày tháng (âm) năm phần trăm mỗi ngày lại đến. Dư bán sàn chất đống như thế, cỡ mình làm sao chen chân. Chỉ biết ngồi nghĩ, cái bài học về chữ nhẫn sao học mãi mà không thuộc nhỉ?  

Lại nói về cái sự bán tín bán nghi về đòn bẩy tài chính với lại vốn kích cầu đổ vào chứng khoán. Làm rõ việc này cũng là quan trọng (dù là khó ngang bắc thang lên hỏi ông trời), nhưng cái đáng lo hơn là chẳng có tiền nào vào mà thanh khoản vẫn tăng lên vùn vụt. Nếu kỷ lục giao dịch của TTCK Việt Nam mà dễ đi vào "sử sách" như mấy cái kỷ lục bánh chưng mốc, bánh dày độn mút xốp dạo nào thì các nhà soạn sách Ghinet Việt Nam hẳn phải nhọc công lắm. Cứ mỗi tuần, thị trường một hai lần phá kỷ lục. Phiên cuối tuần rồi, dòng chảy tiền - giấy, giấy - tiền đã lên đến ngót mười ngàn tỷ đồng. Và chẳng ai dám hồ nghi về việc trong cái năm 2009 đầy phấp phỏng này, mốc giao dịch 1 tỷ đô/phiên sẽ cán đích thành công. Cứ chờ xem!

Nói lại cái việc đòn bẩy và số vốn kích cầu vào chứng khoán. Sự dè chừng này đã là hư hư thực thực, nhưng có một sự hư ảo hơn mà dân gian gọi là tiền hơi. Này nhé, cái đòn T+1 (thậm chí T+0) vốn trước đây chỉ dành cho đại gia, nay thì "đại gia cỏ" hay trung gia (miễn là cứ 1 lệnh mua 3.000 cổ cánh trở lên) đều có thể được tham gia. Thiên hạ còn đang đồn đại ầm ĩ về một "cuộc chiến" thu hút nhà "đầu tư nhớn" giữa hai thành viên vào loại "hổ báo" trên thị trường. Ông cho chậm tiền T+3, thì tôi T+1 tuần; ông T+10, tôi sẵn sàng cho T+cả tháng… Có anh bạn nghĩ ra một kế, mở tài khoản tại cả hai công ty (tất nhiên là lấy tên vợ con, anh em gì đó), cho các vị cứ "đánh nhau", vị nào thêm món gì mới ta lại… nắn dòng tiền chuyển sang, trong lúc chờ anh kia nghĩ ra chiêu phản công. Đấy cũng là một loại khôn lỏi đáng học!    

Thế nên, mạo muội đồ rằng, trên con đường tiến đến mốc 1 tỷ đô/phiên giao dịch kia có không ít tiền mà dân gian gọi là tiền ảo. Chưa đến ngày T+ để xuất tiền thật, các đại gia đã “tống tiễn” cái mớ chứng khoán thật mua bằng tiền ảo ấy để thu về một đống lợi nhuận, nếu sàn (hay cổ phiếu ấy) tím ngắt. Quan trọng nhất vẫn là chữ "Nếu" này. Bởi thật ra, cái việc cổ phiếu đầu phiên lên trần mua không ai bán, đến giữa phiên xuống sàn bán không ai mua, một số nhà đầu tư (trong đó có người viết) có cổ phiếu vào cuối tuần trước đã trải qua rồi… Và điều quan trọng là, chẳng cần tiền kích cầu, chẳng cần tín dụng cá nhân từ ngân hàng, dòng tiền hơi vào chứng khoán cứ… căng dần, căng dần…       

Có câu chuyện chẳng liên quan gì đến chứng khoán, nhưng cũng xin mạo muội kể ra đây cho vui cửa vui nhà. Nhớ ngày bé, lũ trẻ quê tôi hay chơi trò bầu cua, phần thưởng thường là bút mực, bi ve... Cuộc chơi nào cũng thế, lũ trẻ vừa ghét vừa sợ mấy đứa ăn non, thường hay bêu xấu: "Bạc già không bằng gà son. Gà son không bằng đứng dậy ăn non đi về".

Thậm ghét, nhưng mà cũng thậm phục. Mắt đứa nào cũng hau háu nhìn túi bi ve căng phồng của kẻ… ăn non. Cũng mong được thế lắm, nhưng lúc vào trận lại say máu mà quên khuấy mất. Rõ là khôn lỏi học cũng có dễ đâu!