Bankland tổ chức các hội thảo đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư góp vốn.

Bankland tổ chức các hội thảo đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư góp vốn.

Biến tướng đa cấp, huy động gần 500 tỷ đồng rồi chiếm đoạt

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan tố tụng cáo buộc, nhóm bị can do Vũ Đức Tĩnh cầm đầu đã thành lập Công ty Bankland, sau đó vẽ ra nhiều dự án không có thật để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn và chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng.

Lập dự án “ma” để kêu gọi góp vốn

Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đang thụ lý vụ án liên quan tới hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn nhà đầu tư, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Bankland (Bankland).

Theo hồ sơ vụ án, để thực hiện các hoạt động lừa đảo, tháng 12/2021, bị can Vũ Đức Tĩnh (sinh năm 1981, trú tại TP.HCM) đã chỉ đạo thành lập Công ty Bankland, giao Quản Văn Dương làm Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Thị Như làm Tổng giám đốc.

Tiếp đó, Tĩnh chỉ đạo nhóm này tổ chức các hội nghị, hội thảo, đưa ra thông tin không đúng sự thật về các loại hình đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn.

Các bị can trên còn tuyên truyền rằng, Bankland sở hữu nhiều dự án bất động sản đắc địa, kêu gọi đầu tư trả lãi cao, kèm tặng thưởng vàng, xe ô tô, khuyến mại đất... nhằm lôi kéo nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là những khu đất nông nghiệp, chưa được cấp phép đầu tư dự án.

Đã có 4.736 nhà đầu tư được Cơ quan điều tra thống kê, lập danh sách khai báo về số tiền bị chiếm đoạt. Ngoài ra, còn một số đơn vị được ủy thác ghi lời khai của các bị hại vẫn chưa hoàn tất và cung cấp số liệu, do đó Cơ quan điều tra tiếp tục đôn đốc, thu thập tài liệu để có phương án xử lý.

Bankland còn tổ chức sự kiện mở bán, phân lô tách nền, với nhiều thông tin hấp dẫn như “đất vàng thương mại dịch vụ” tại xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội), qua đó đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, góp vốn với 4.736 nhà đầu tư, tổng số tiền hơn 464 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tĩnh còn chỉ đạo cấp dưới tự phát hành cổ phiếu nội bộ, lấy mã là BLI, chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép phát hành, sau đó thành lập sàn giao dịch cổ phiếu điện tử, giới thiệu cho các nhà đầu tư nộp tiền mua.

Các bị can này đã phát hành 10.000 tỷ cổ phiếu, tự định giá khởi điểm là 0,0001 USD/cổ phiếu; tạo ra 10 gói trái phiếu từ 100 USD đến 10 triệu USD, cho các nhà đầu tư sở hữu thực hiện mua bán, giao dịch cổ phiếu với nhau và dùng để đăng ký mua bất động sản. Về bản chất, đây là một loại tiền ảo do Bankland tự phát hành, hoàn toàn không có giá trị thanh khoản trên thị trường. Nhóm của Tĩnh đã huy động được nhiều nhà đầu tư mua hơn 16 tỷ đồng tiền cổ phiếu.

Để quản lý được tài sản và dòng tiền nộp vào Bankland, Tĩnh tiếp tục bàn bạc với Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đức Minh để quản lý, đứng tên các tài sản được hình thành từ nguồn tiền bất hợp pháp thu được.

Quá trình điều tra cũng xác định, Bankland không có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thực tế, mà chỉ huy động vốn của người dân thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, góp vốn, bán cổ phiếu BLI.

Tự phong gần 70 lãnh đạo công ty để lấy “mác” đi kêu gọi đầu tư

Ngoài 3 lãnh đạo được trả lương, có vai trò chính trong các hoạt động tổ chức, phát biểu trong các hội nghị, hội thảo, Công ty Bankland còn bổ nhiệm “miệng” đối với 20 phó chủ tịch và gần 50 phó tổng giám đốc, với mục đích để nhà đầu tư tin tưởng họ giữ vị trí cao trong doanh nghiệp và sẽ thu hút được nhiều người nộp tiền vào.

Khai báo trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị Như cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Vũ Đức Tĩnh, nên đã tự phong chức danh lãnh đạo cho những cá nhân này để tư vấn, trình bày trong các cuộc hội thảo nhằm thu hút nhà đầu tư theo các nội dung do Công ty đã chuẩn bị trước.

Tuy nhiên, gần 70 người này cho rằng, họ chỉ được mời tham gia hợp tác làm việc với Bankland; các nội dung trình bày tại hội nghị, hội thảo hoặc các nội dung tư vấn cho các nhà đầu tư đều do Bankland soạn sẵn để thực hiện.

Ngoài ra, họ đều là người làm công ăn lương, nên thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Công ty, tin tưởng vào sự giới thiệu, không biết Công ty lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bị hại, nên bản thân cũng đầu tư tiền để hợp tác.

Ngoài ra, các cá nhân này cũng rủ nhiều người thân, quen, bạn bè để cùng tham gia đầu tư, hưởng các chính sách ưu đãi, thưởng khi kêu gọi được các nhà đầu tư mới.

Kê biên, phong tỏa loạt bất động sản

Quá trình điều tra xác định, từ khi thành lập vào tháng 12/2021, đến khi dừng hoạt động vào tháng 9/2022, Công ty Bankland đã thu hơn 467 tỷ đồng của 4.736 khách hàng, thông qua việc hợp tác đầu tư các dự án “ma”.

Ngoài ra, công ty này còn giới thiệu để nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu BLI với tổng số tiền khoảng 16 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt.

Để thu hút càng nhiều nhà đầu tư tham gia, Bankland đã “bạo chi”, sử dụng chính số tiền thu được từ các nhà đầu tư trước để trả lợi nhuận cho người sau; quảng cáo, kêu gọi hợp tác... Theo đó, công ty này chi hoa hồng trực tiếp, thưởng theo các chương trình và thưởng doanh số hơn 55 tỷ đồng; chi lương cho bộ phận kinh doanh hơn 60 tỷ đồng; tổ chức các sự kiện gần 13 tỷ đồng; phân chia lợi nhuận 53 tỷ đồng...

Với vai trò là cố vấn cao cấp, đứng sau chỉ đạo các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, Nguyễn Đức Tĩnh được hưởng 10% doanh thu, lợi nhuận của Công ty Bankland, qua đó đã thu lợi bất chính gần 180 tỷ đồng.

Số tiền này, Tĩnh khai nhờ Nguyễn Văn Minh mua và đứng tên nhiều bất động sản, biệt thự nghỉ dưỡng ở nhiều nơi, trong đó có nhiều thửa đất tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cùng 4 xe ô tô.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra xác định, nhiều bất động sản đứng tên em trai Tĩnh là Nguyễn Văn Tịnh, có liên quan tới nguồn tiền thu lợi bất chính, do đó đã kê biên, phong tỏa số tiền 2 tỷ đồng và hàng chục bất động sản tại tỉnh Phú Yên, với diện tích lên tới hơn 100.000 m2.

Tin bài liên quan