Trước năm 2011, nhằm ứng phó với tình trạng nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc do bị tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008, Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư công. Khi đó, tổng số tiền Nhà nước đầu tư chiếm tới 46,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Kết quả là nền kinh tế lấy lại đà phục hồi tăng trưởng. Nhưng sau thời gian “cả đất nước là công trường”, đã xuất hiện tình trạng hàng ngàn dự án, công trình thiếu vốn không thể tiếp tục triển khai, nhiều công trình sau lễ khởi công, động thổ “trống giong, cờ mở” đã trở thành nơi chăn thả gia súc vì không có vốn. Không ít nhà thầu, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, nguyên vật liệu cho dự án đầu tư công cũng bị “méo mặt” vì chủ đầu tư không biết đào đâu ra tiền để thanh toán.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) với “chỉ thị thép”: tất cả dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nợ đọng XDCB; các bộ, ngành, địa phương tự cân đối nguồn vốn để xử lý nợ đọng XDCB thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền. Chỉ thị 1792/CT-TTg đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Song do căn bệnh nợ đọng XDCB quá nặng, nền rất khó xử lý dứt điểm.
Nhằm đề phòng và xử lý nợ đọng trong XDCB, Luật Đầu tư công (năm 2014 và 2019) quy định, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, phải bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày 1/1/2015. Thực hiện luật này, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí đủ vốn cho tất cả bộ, ngành, địa phương thanh toán toàn bộ nợ đọng XDCB thuộc trách nhiệm của Ngân sách trung ương đến hết thời điểm 31/12/2014. Song mới đây, khi rà soát tại một số bộ, ngành, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều khoản nợ đọng XDCB trước năm 2015 vẫn còn tồn tại. Đó là chưa kể tình trạng không ít địa phương không những nợ đọng XDCB trước năm 2015, mà bắt đầu có dấu hiệu phát sinh nợ đọng mới, thậm chí có dự án nợ đọng XDCB với giá trị rất lớn.
Nguyên nhân, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, là hàng loạt bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết vượt mức vốn được duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; giao vốn cho một số dự án vượt nhu cầu trong khi không giao đủ vốn cho những dự án khác; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí vốn để thanh toán cho các dự án đã đưa vào sử dụng; không phân bổ vốn để thu hồi vốn ứng trước; chủ đầu tư chưa có phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, làm phát sinh lãi vay...
Đáng lưu ý là, trong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã tìm ra nhiều dự án hoàn thành trước năm 2020, nhưng chưa được chủ đầu tư (địa phương) thanh toán với tổng số tiền vào khoảng 7.170 tỷ đồng. Nhiều địa phương không chỉ không bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước cho các dự án hoàn thành trước năm 2015, mà còn tiếp tục để phát sinh dư nợ ứng trước trong giai đoạn 2016-2020 với tổng số dư nợ ứng trước chưa bố trí vốn để thu hồi lũy kế lên đến trên 47.000 tỷ đồng.
Tất cả tồn tại cùng nguyên nhân dẫn đến nợ đọng XDCB, nợ đọng vốn ứng trước nêu trên đã được Kiểm toán Nhà nước cảnh tỉnh khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 bắt đầu giai đoạn khởi động. Sự cảnh tỉnh là không thừa, bởi nếu không, căn bệnh nợ đọng XDCB sẽ quay trở lại và hàng ngàn dự án lại phải “đắp chiếu”, dự án xây dựng cầu hoàn thành nhưng không có đường dẫn, công trình chỉ thi công đến “điểm dừng kỹ thuật”...
Đại dịch Covid-19 hiện không đe dọa nghiêm trọng tính mạng con người, nhưng virus Corona liên tục biến thể với các chủng mới và nhân loại cũng chưa dám chắc các biến thể mới có gây ra thảm họa y tế như 2 năm vừa qua hay không. Tương tự, căn bệnh nợ đọng XDCB đã qua đi, nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt và có dấu hiệu quay trở lại với những “biến thể” mới. Bởi vậy, không thể chủ quan, coi thường “bệnh” nợ đọng XDCB, nợ đọng vốn ứng trước. Nếu không, ngân sách nhà nước và cả nền kinh tế sẽ lại một lần nữa gánh chịu thiệt hại nặng nề.