Biến thể delta làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu

Biến thể delta làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự bùng phát trở lại của đại dịch trong mùa hè này đang làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu trong tuần qua cho thấy sự suy yếu trên toàn thế giới do sự bùng phát của đại dịch làm ảnh hưởng đến du lịch và chi tiêu, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đang làm giảm hoạt động sản xuất và thương mại. Giá xăng tăng cao cũng đang nổi lên như một mối đe dọa.

Tại Mỹ, việc tuyển dụng đã giảm mạnh xuống mức tăng ít nhất trong 7 tháng vào tháng 8 và các chuyến bay, đặt phòng khách sạn và đặt chỗ ăn uống đều cho thấy nhu cầu thấp hơn. Thước đo tâm lý kinh doanh chính của Đức xấu đi và chỉ số PMI tổng hợp gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm xuống còn 48,9 từ mức 52,4 của tháng 7.

Theo Goldman Sachs, các thước đo hoạt động ở các nền kinh tế lớn đã không đạt được như kỳ vọng, trong khi Citigroup cảnh báo sự phục hồi có thể vừa phải với sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa các ngành và khu vực.

Chỉ số PMI của các quốc gia trong tháng 8

Chỉ số PMI của các quốc gia trong tháng 8

Robin Brooks, Nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington cho biết: “Sự lan rộng của biến thể delta đang làm chậm quá trình mở cửa trở lại và khiến chúng tôi hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 6,2% về 5,7% cho năm nay”.

Điều này có thể làm phức tạp kế hoạch rút lui các chính sách hỗ trợ khỏi khủng hoảng của các ngân hàng trung ương bằng cách làm chậm việc mua tài sản hoặc tăng lãi suất. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell vào ngày 28/8 đã cảnh báo về tình trạng thị trường lao động đang trì trệ khi đại dịch tiếp tục diễn ra, trong khi ngân hàng trung ương của Úc trong tuần này dự kiến ​​sẽ xem xét lại liệu có nên trì hoãn các kế hoạch cắt giảm chương trình mua tài sản trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tồi tệ hơn hay không.

“Từ sự sụt giảm trong các dịch vụ của Trung Quốc cho đến sự sụt giảm trong mức tăng việc làm của Mỹ, biến thể delta đang gây ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi toàn cầu. Ngay cả khi Trung Quốc kiểm soát được đợt bùng phát mới nhất, một cuộc đàn áp mở rộng đối với các doanh nhân - một phần trong chương trình nghị sự về 'thịnh vượng chung' của chính quyền Bắc Kinh đã làm tăng thêm sự không chắc chắn cho triển vọng toàn cầu”, Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics cho biết.

Mức độ nghiêm trọng của tăng trưởng chậm lại phần lớn sẽ phụ thuộc vào vắc xin

Các nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng cao giúp các nhà hoạch định chính sách có thể chống lại một đợt phong toả khác và thay vào đó lựa chọn các biện pháp mục tiêu bao gồm các yêu cầu tiêm chủng đối với những nơi công cộng.

“Tiến bộ về tiêm chủng nên có thể tác động kinh tế sẽ không quá nghiêm trọng so với các đợt trước”, Jens Weidmann, Chủ tịch của Bundesbank cho biết.

Theo David Mackie, nhà kinh tế tại JPMorgan cho biết, các chính phủ cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để duy trì nền kinh tế nếu vắc xin tiếp tục chống lại bệnh tật, tử vong và các trường hợp nghiêm trọng về sức khỏe.

Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi hầu hết đang phải vật lộn để có được quyền tiếp cận với các công cụ như các nước phát triển. Tỷ lệ tiêm chủng ở 39 nền kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác định là “tiên tiến” là 58% so với chỉ 31% ở phần còn lại của thế giới và điều đó chủ yếu dựa vào đợt triển khai vắc xin khổng lồ của Trung Quốc.

Trong khi đó, Đông Nam Á đang trải qua một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới và chiếm 5 vị trí cuối cùng trong Bảng xếp hạng khả năng phục hồi Covid mới nhất của Bloomberg.

Những rắc rối ở châu Á trong lĩnh vực sản xuất và vận chuyển đang gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung phức tạp và liên kết với nhau trên toàn cầu. Theo Janet Henry, Nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại HSBC Holdings Plc ở London, những gián đoạn đó có thể kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn.

“Mỹ và các nước châu Âu là những nơi tỷ lệ tiêm chủng nói chung cao hơn và việc mở cửa trở lại tiếp tục, tăng trưởng có khả năng phục hồi tốt hơn. Nhưng những nền kinh tế này có thể bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn liên quan đến việc đóng cửa nhà máy ở những nơi khác”, ông cho biết.

Theo Alicia Garcia Herrero, Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, sự phục hồi phân nhánh giữa các nền kinh tế đang phát triển và tiên tiến chỉ có khả năng sâu sắc hơn.

“Sự khác biệt giữa các nền kinh tế mới nổi và phát triển đang thực sự trở nên tồi tệ hơn”, bà cho biết.

Tin bài liên quan