Hoạt động điều hành các chuyến bay đi - đến của VATM.
Lần đầu ghi nhận lỗ
Đúng 2 tháng kể từ khi gửi tờ trình với 2 lần giải trình làm rõ, vào đầu tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ký Quyết định số 1360/QĐ-BGTVT phê duyệt Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và Kế hoạch Đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
VATM là trong số rất ít doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mang tính công ích hiện do Bộ GTVT trực tiếp quản lý. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 3.827 tỷ đồng này là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được giao cung cấp các dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không toàn quốc; trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý, cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.
VATM thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành GTVT, khi trong giai đoạn 2015 - 2019, VATM đều nộp ngân sách mỗi năm ít nhất 3.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 30% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn với lĩnh vực hàng không, nên hầu hết chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt là chỉ tiêu tài chính của VATM trong 5 năm tới được đề cập tại Quyết định số 1360/QĐ-BGTVT đều giảm rất sâu so với giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, tổng doanh thu trong 5 năm tới của VATM dự kiến giảm 9,2%; lợi nhuận trước thuế sau khi trích quỹ khoa học - công nghệ giảm tới 65%; nộp ngân sách nhà nước giảm 34% so với giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ tiêu tăng duy nhất của VATM trong giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn 2016 - 2020 đáng tiếc lại là tổng chi, tăng từ 11.240 tỷ đồng lên 13.129 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2021 - 2025, VATM được Bộ GTVT giao triển khai 42 dự án đầu tư phục vụ hoạt động của doanh nghiệp lên tới 10.089 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 7.558 tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay thương mại.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài khoản chi được yêu cầu cắt giảm khoảng 100 tỷ đồng, các chỉ tiêu kinh doanh còn lại cho toàn bộ giai đoạn 2021 - 2025 đều được Bộ GTVT giữ nguyên so với phương án đề xuất tại Tờ trình số 176/TTr-HĐTV của Hội đồng Thành viên VATM.
“Trên cơ sở Kế hoạch Sản xuất - kinh doanh và Kế hoạch Đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025, VATM sẽ phải xây dựng, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm theo quy định”, Quyết định số 1360/QĐ-BGTVT nêu rõ.
Theo ông Lương Quốc Việt, Kiểm soát viên chuyên trách của Bộ GTVT tại VATM, việc Hội đồng Thành viên VATM đề xuất một kế hoạch kinh doanh khá thận trọng như vậy là phù hợp với những diễn biến thị trường hàng không hiện nay.
Trên thực tế, việc hầu hết quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn đối phó với làn sóng Covid-19 thứ tư, tỷ lệ tiêm vắc-xin trên toàn cầu mới đạt khoảng 20% đã khiến ngành hàng không thế giới cũng như trong nước phải đối diện với ẩn số rất lớn cho quá trình phục hồi.
Tuy không phải đối diện trực diện với dịch bệnh như các hãng bay, nhưng với tư cách là một trong những mắt xích quan trọng nhất của ngành hàng không, VATM vẫn phải chịu những dư chấn tác động rất nặng nền.
“Sản lượng điều hành bay quá cảnh phải đến hết năm 2025 mới có thể về mức tương đương năm 2019; sản lượng điều hành bay đi/đến có thể phục hồi sớm hơn, nhưng cũng không thể sớm hơn thời điểm cuối năm 2024, trong khi đây là 2 nguồn thu chính của Tổng công ty”, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch VATM cho biết.
Đứt gãy dòng tiền
Cần phải nói thêm, ngay từ tháng 4/2021, Hội đồng Thành viên VATM đã phải xin Bộ GTVT giảm một loạt chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu năm 2021 đã được phê duyệt trước đó.
Cụ thể, trong năm 2021, tổng doanh thu của VATM chỉ còn 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 14 tỷ đồng. Trước đó, VATM đã ghi nhận một năm kinh doanh bết bát nhất trong suốt 25 năm hoạt động, khi doanh thu chỉ đạt 1.891 tỷ đồng, bằng 44% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế âm 127 tỷ đồng.
Ngoài việc thị trường hàng không đang gần như tê liệt từ tháng 4/2021 đến nay, chính sách giảm giá điều hành bay đi - đến bằng 50% mức giá quy định để hỗ trợ cho các hãng hàng không trong nước mà Chính phủ áp dụng trong năm 2020 cũng đã làm tình hình tài chính của VATM thêm khó khăn. Thực tế, mức thu giá điều hành bay đi - đến hiện nay không đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ mà VATM bỏ ra.
Lãnh đạo VATM đánh giá, với doanh thu trên, Tổng công ty chỉ có thể cân đối được các hoạt động thường xuyên ở mức tối thiểu.
“Nếu tiếp tục phải áp dụng chính sách giảm giá 50% đối với điều hành bay đến hết năm 2021, Tổng công ty sẽ mất cân đối thu - chi trầm trọng (dự kiến lỗ 410 tỷ đồng). Việc mất cân đối thu - chi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động công ích bảo đảm hoạt động bay, bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng công ty và thu nhập của người lao động”, lãnh đạo VATM tính toán.
Do không bị mất cân đối thu - chi trong ít nhất 3/4 thời gian thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, nên VATM đang phải chịu áp lực rất lớn cho việc hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản. Với nhu cầu giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 lên tới hơn 7.500 tỷ đồng, không khó để thấy, VATM đang mất cân đối khoảng 2.535 tỷ đồng vốn cho đầu tư phát triển.
Để giải quyết tình trạng này, trước mắt Hội đồng Thành viên VATM dự kiến gia tăng vay thương mại của các tổ chức tín dụng trong nước để bù đắp các khoản thiếu hụt theo tỷ trọng vốn vay/vốn tự có là 0,66 để ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm như đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành, Điện Biên, Buôn Ma Thuột; các đài ra đa thứ cấp, sơ cấp tại Nội Bài, Vinh, Cà Mau, Quy Nhơn, Cam Ranh…
Tuy nhiên, với đặc thù của các dự án của Tổng công ty là các công trình công ích, là kết cấu hạ tầng thuộc cảng hàng không nằm trong nhóm tài sản không được cầm cố, thế chấp, nên phương thức bảo đảm vay thương mại chủ yếu là “tín chấp”. Trường hợp không được các tổ chức tín dụng cho vay, VATM sẽ rất bí bách trong việc huy động dòng tiền thi công các dự án trọng điểm vốn đã bị chậm tiến độ khá nhiều.
Được biết, trước khi Covid-19 bùng phát, VATM đã triển khai thực hiện tới 149 dự án với tổng mức đầu tư là 8.569 tỷ đồng, trong đó có 76 dự án chuyển tiếp, 73 dự án đăng ký mới. Tính đến ngày 31/12/2018, Tổng công ty đã hoàn thành, nghiệm thu, quyết toán 49 dự án, đang triển khai 79 dự án, với khối lượng giải ngân trong năm 2018 chỉ đạt 221 tỷ đồng.
Vào tháng 2/2019, Bộ GTVT đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 144/BGTVT-TTr về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư, xây dựng tại VATM. Theo Bộ GTVT, chỉ trong vòng 5 năm (2012 - 2017), VATM đã đầu tư xây dựng tới 222 dự án bằng nguồn vốn của đơn vị, với tổng mức đầu tư 6.096 tỷ đồng. Đây là số lượng dự án thậm chí còn vượt cả số công trình mà Bộ GTVT triển khai trong cùng thời điểm, với bình quân mỗi dự án có tổng mức đầu tư vỏn vẹn 27,4 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, việc lập kế hoạch đầu tư một số dự án do VATM làm chủ đầu tư thường xuyên không sát với thực tế. Cụ thể, năm 2016, giá trị giải ngân các dự án của VATM rất thấp, chỉ đạt 196/593 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch được phê duyệt. Trong đó, có 3/114 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; 31/114 dự án có kế hoạch vốn, nhưng không giải ngân với giá trị 39,683/421,67 tỷ đồng; 12/114 dự án khi chưa có kế hoạch vốn, nhưng vẫn giải ngân với giá trị 30,286/421,67 tỷ đồng.
Trong năm 2020, VATM chỉ giải ngân được 272 tỷ đồng cho 140 dự án đầu tư đã cho thấy vấn nạn đầu tư dàn trải, giải ngân chậm vẫn đang là một trong những gót chân “Asin” cần sớm được doanh nghiệp này xử lý dứt điểm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Lao đao hàng không thế giới trước đại dịch Covid-19
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2020 là một năm đầy biến động đối với ngành hàng không thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngành hàng không thế giới giảm 60% lượng khách vận chuyển (khoảng 2.888 triệu khách) trong năm 2020, trong đó, về doanh thu, ngành hàng không thế giới thâm hụt 327 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020 (khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất với 107 tỷ USD). Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá, Covid-19 gây ra mức suy giảm kỷ lục về lượng hành khách luân chuyển toàn cầu (66%), ước tính thiệt hại gần 118,5 tỷ USD trong năm 2020 và 38,7tỷ USD trong năm 2021. Lượng hành khách sụt giảm 60,5%, doanh thu giảm còn 191 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so với doanh thu năm 2019.
Một số đặc điểm về tác động của đợt khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầu gây ra cho ngành hàng không bao gồm: nhu cầu đi lại sụt giảm nghiêm trọng; làn sóng cắt giảm nhân sự của các hãng hàng không toàn cầu; nhiều hãng hàng không trên bờ vực phá sản, cần sự trợ giúp của bên ngoài hoặc những biện pháp tái cấu trúc mạnh mẽ; năm 2020 trở thành năm thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới; xuất hiện các chương trình hỗ trợ ngành hàng không đến từ các chính phủ trên toàn cầu.