GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
'Chúng ta không chỉ kích cầu đầu tư, mà phải kích cầu cả tiêu dùng nội địa bằng nhiều cách, trong đó có việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Đầu tư tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, song nếu tiêu dùng yếu thì kích cầu đầu tư sẽ giảm hiệu quả', GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ.

Cảm nghĩ của ông thế nào trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục giảm thuế GTGT?

Tôi cho rằng, Quốc hội quyết định giảm thuế GTGT ngay tại kỳ họp này là rất kịp thời. Không để như năm 2022, đợi ra Giêng, Quốc hội phải tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua nghị quyết giảm thuế GTGT, sau đó sang tháng 2/2022 mới thực thi. Hay như năm nay, phải đợi đến kỳ họp giữa năm mới thông qua, nên thuế GTGT chỉ được giảm từ 10% xuống 8% có nửa năm (áp dụng kể từ ngày 1/7/2023).

Việc giảm thuế GTGT năm 2024 ngay từ đầu năm, trên thực tế là tiếp tục thực hiện chính sách này đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm (tháng 6/2022) thêm 6 tháng nữa là rất hợp lý trong bối cảnh chúng ta cần phải kích cầu, không chỉ kích cầu đầu tư công, đầu tư tư nhân, mà phải tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa. Nếu chỉ kích cầu đầu tư thông qua việc giảm, miễn, gia hạn các loại tiền phí, lệ phí, các loại thuế và tiền thuê đất làm giảm chi phí đầu vào, nhưng nếu đầu ra không tiêu được, thì cũng không thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh, vì hàng hóa, dịch vụ làm ra biết tiêu đi đâu.

Ông có thể nói cụ thể hơn hiệu quả của việc giảm thuế GTGT?

Giảm thuế GTGT, giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ giảm, đương nhiên giá bán hàng hóa, dịch vụ giảm. Kể cả trong trường hợp, giá thành sản xuất không giảm, thì buộc doanh nghiệp cũng phải giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ.

Còn với doanh nghiệp, muốn tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thì phải mua nguyên, nhiên, vật liệu và các loại chi phí đầu vào, nếu không giảm thuế thì phải nộp thuế GTGT 10%, nhưng khi giảm chỉ phải nộp 8%, tức là giảm được chi phí sản xuất, đương nhiên, giá thành giảm, giá bán giảm sẽ khuyến khích tiêu dùng, qua đó kích cầu nội địa.

Nhưng thưa ông, vấn đề liên quan đến cân đối ngân sách, giảm thuế, đồng nghĩa với ngân sách giảm thu, không có đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi?

Rất mừng là trong nhiều năm vừa qua, chúng ta bảo đảm cân đối ngân sách khá tốt, bội chi nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí bội chi vay còn thấp hơn room mà Quốc hội cho phép.

Trong mấy năm gần đây, kể cả khi đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn kiểm soát tốt bội chi, nợ công, trong khi các khoản chi vẫn bảo đảm chi đúng, chi đủ, tất cả các khoản nợ đến hạn, cả lãi và gốc đều được thanh toán đầy đủ, đúng hạn. Như năm nay, Quốc hội cho phép bội chi 455.500 tỷ đồng, nhưng theo tính toán thì chỉ bội chi 415.200 tỷ đồng, trong khi chúng ta vẫn thực hiện miễn thuế, giảm thuế, giảm các loại phí, lệ phí nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

Vấn đề là năm tới thực hiện cải cách tiền lương cần khá nhiều tiền, thưa ông?

Tất cả đã được tính toán trên cơ sở thu sau khi đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn, kể cả giảm thuế GTGT. Các khoản chi cũng được tính toán trên cơ sở số thu có khả năng đạt được, trong đó có chi thực hiện cải cách tiền lương, trả nợ lãi và nợ gốc đến hạn. Sau khi tính toán rất kỹ từng khoản thu, khoản chi, thiếu tiền để đầu tư phát triển thì huy động vốn, trong đó chủ yếu là vốn trong nước, vì vậy, mức bội chi của năm tới chỉ có 399.400 tỷ đồng, tức là còn ít hơn năm nay, nên bội chi, nợ công, nợ nước ngoài vẫn rất an toàn.

Thuế GTGT là thuế đánh vào doanh thu theo tỷ lệ 5% và 10%, doanh thu càng lớn thì càng nộp nhiều. Khi giảm thuế từ 10% xuống 8% thì doanh thu tăng do cầu tiêu dùng, cầu đầu tư tăng và mặc dù giảm thuế nhưng số thu vẫn tăng.

Đơn cử, năm 2022, dù giảm thuế GTGT 11 tháng (từ tháng 2 đến hết tháng 12), nhưng ngân sách nhà nước vẫn thu được 445.445 tỷ đồng từ thuế GTGT, tăng hơn 69.600 tỷ đồng so với năm 2021. Việc giảm thuế này, trong kinh tế học gọi là “chính sách tài khóa ngược”.

Giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước. Nếu vậy, chỉ cần giảm cho hàng hóa sản xuất trong nước, tại sao lại phải giảm thuế cho cả hàng hóa nhập khẩu?

Thuế GTGT đánh vào tất cả mọi người, tất cả mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên việc giảm thuế không chỉ hỗ trợ sản xuất trong nước, mà còn hỗ trợ người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia vào thị trường toàn cầu và đang trong quá trình đề nghị các nước công nhận Việt Nam có cơ chế thị trường. Đã là cơ chế thị trường thì không được phân biệt đối xử xuất xứ hàng hóa, dịch vụ.

Hơn nữa, nếu chỉ giảm thuế GTGT cho hàng hóa trong nước, không giảm cho hàng hóa nhập khẩu sẽ rất phức tạp, thậm chí còn tăng chi phí thời gian, công sức cho cả xã hội. Cụ thể, khi người dân vào siêu thị mua hàng, mua cùng một chủng loại hàng hóa, nhưng hàng nhập khẩu thì thuế suất 10%, hàng nội địa thuế suất 8% khiến việc lập hóa đơn rất phiền phức, dễ nhầm lẫn.

Chính sách giảm thuế GTGT rõ ràng đem lại nhiều hiệu quả, thưa ông, sao không giảm luôn cho cả năm 2024 vì nhiều dự báo cho thấy, năm 2024 kinh tế thế giới cũng như trong nước chưa hết khó khăn?

Chính vì vậy, Nghị quyết về việc giảm thuế GTGT của Quốc hội mới có thêm một câu rất quan trọng: “Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn”. Tức là, nếu sau 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tiêu dùng, đầu tư còn khó khăn, thì tiếp tục giảm thuế GTGT hết năm 2024, tùy tình hình sẽ tính tiếp, có thể tiếp tục giảm hoặc dừng lại chính sách này.

Tin bài liên quan