Cổ phiếu VNC được thị trường đánh giá khá ổn định

Cổ phiếu VNC được thị trường đánh giá khá ổn định

Biên lợi nhuận thấp, khoản đấu giá 30% vốn VNC có hấp dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có hoạt động kinh doanh thuộc dạng ổn định, nhưng biên lợi nhuận thu hẹp liên tục, có lẽ đợt đấu giá cổ phần có giá khởi điểm cao hơn thị giá hiện tại của Tập đoàn Vinacontrol phải mong chờ thị trường tốt hơn mới có thể thành công.

Ngày 15/1/2024, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá 3,15 triệu cổ phiếu VNC của Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (tương ứng 30% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 54.500 đồng/cổ phiếu. Lô cổ phiếu này có giá tối thiểu là 172 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, thị giá VNC gần như đứng im trong vòng 1 tháng trở lại đây, đạt 51.000 đồng/cổ phiếu cuối phiên giao dịch cuối tuần qua, với thanh khoản nhỏ giọt. So với thị giá hiện tại, mức chào bán cổ phiếu VNC cao hơn khoảng 6%.

Vinacontrol được biết đến là doanh nghiệp giám định hàng hoá duy nhất trên sàn chứng khoán, cũng là đơn vị đặt nền móng cho công tác giám định, thử nghiệm hàng hóa phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam.

Năm 2006, Vinacontrol đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Từ đó đến nay, Công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu đều đặn, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Nếu năm 2006, quy mô doanh thu thuần của doanh nghiệp là hơn 72 tỷ đồng thì đến năm 2022 đạt 635 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty ghi nhận 511,4 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi doanh thu thành lợi nhuận của VNC lại là câu chuyện khác khi biên lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần) ngày càng thu hẹp, từ mức 17,6% vào năm 2006 xuống còn 5,92% vào năm 2022. Với lãi sau thuế 9 tháng 2023 đạt xấp xỉ 29 tỷ đồng, biên lợi nhuận sau thuế VNC tiếp tục thu hẹp xuống còn 5,67%.

Trước đây, Vinacontrol luôn chiếm thế thượng phong trên thị trường giám định hàng hoá, thậm chí được coi là đơn vị độc diễn suốt nhiều năm ròng, với lợi thế doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, thị trường này đã thay đổi mạnh mẽ sau khi Nhà nước cho phép các tổ chức giám định nước ngoài và các công ty tư nhân trong nước tham gia thực hiện dịch vụ giám định khiến cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và miếng bánh thị phần bị “chia năm xẻ bảy”.

Vinacontrol từng chia sẻ về áp lực cạnh tranh của Công ty, đến từ cuộc đua giá phí, chiêu trò của nhiều tổ chức giám định, đặc biệt là với các dự án đầu thầu công khai. Do đó, Công ty đặt mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng đạt 2 - 3%/năm, tổng lượng khách hàng phục vụ trong năm tăng 5% - những con số tương đối ổn định và không có sự đột phá.

Để mở rộng dư địa tăng trưởng, các đơn vị của Vinacontrol đã nghiên cứu triển khai và tiếp cận được nhiều lĩnh vực mới, tiềm năng như chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, kiểm định trang thiết bị y tế, giám định, thử nghiệm viên nén gỗ xuất khẩu, chứng nhận quản lý rừng bền vững... Công ty có kế hoạch mở thêm văn phòng đại diện trong và ngoài nước.

Nhìn chung, đặc thù ngành nghề kinh doanh của Vinacontrol được đánh giá có mức độ rủi ro thấp. Cộng với danh tiếng và kinh nghiệm phong phú, doanh nghiệp vẫn có lợi thế riêng, nhất là khi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về các mặt hàng xuất khẩu ngày một khắt khe hơn, buộc doanh nghiệp phải có các chứng nhận phù hợp và không ít đối thủ đã rơi rụng do không cạnh tranh được trong thị trường này.

Tin bài liên quan