Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất của Viettel Global đạt 8.003 tỷ đồng.
Tổng doanh thu kinh doanh của các thị trường nước ngoài tăng gần 500 tỷ (7%) lên 7.717 tỷ đồng. Thị trường ở cả 3 châu lục cùng ghi nhận doanh thu tăng trưởng: châu Phi và Mỹ Latin là gần 10%, còn ở Đông Nam Á, dù các thị trường đã bão hoà nhưng vẫn tăng 3%.
Thị trường châu Phi gồm các quốc gia Cameroon, Tanzania, Mozambique và Burudi đóng góp chính vào tổng doanh thu với 3.625 tỷ đồng. Tiếp đến là Đông Nam Á gồm Campuchia và Đông Timor đạt gần 3.000 tỷ đồng. Khu vực Mỹ Latin với duy nhất Haiti đạt gần 1.100 tỷ.
Doanh thu của thị trường Đông Nam Á không bao gồm công ty Star Telecom tại Lào và Mytel tại Myanmar do Viettel Global nắm giữ dưới 50% vốn tại 2 công ty này, vì chỉ ghi nhận là công ty liên kết.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của Viettel Global giảm 700 tỷ đồng, chủ yếu là do giảm hoạt động kinh doanh thiết bị của công ty mẹ như chủ trương đã trình Đại hội đồng cổ đông thường niên. Do giảm doanh thu kinh doanh thiết bị có tỷ suất lợi nhuận thấp nên dù doanh thu giảm nhưng lãi gộp vẫn tăng vọt từ 1.694 tỷ lên 2.119 tỷ đồng, tăng 25% so với nửa đầu năm 2017. Biên lợi nhuận gộp qua đó tăng từ 19,4% lên 26,5%.
Riêng trong quý 2/2018, Viettel Global đạt 4.060 tỷ doanh thu và 1.214 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tương ứng biên lợi nhuận 29,9% - cao nhất trong 4 năm gần đây.
Tính đến cuối tháng 6/2018, Viettel đã hoàn vốn đầu tư tại các thị trường là Lào, Campuchia, Đông Timor và đứng số 1 về mạng lưới viễn thông; với các thị trường này, Tập đoàn Viettel đã thu về gấp 4 - 5 lần giá trị vốn đầu tư.
Đặc biệt, trong số 9 thị trường quốc tế của Viettel, Myanmar (khai trương ngày 9/6/2018) là thị trường lớn nhất và được kỳ vọng nhất trong năm 2018 về tăng trưởng. Việc thị trường Myanmar vẫn còn lỗ kế hoạch khi mới đi vào hoạt động dẫn đến lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 6 tháng đầu năm 2018 âm 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng khai trương, Mytel đã vượt mốc 3 triệu thuê bao, đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử của Viettel Global và cả đối với Tập đoàn Viettel. Trước đây, Viettel tại Việt Nam phải mất 18 tháng mới đạt mốc 3 triệu thuê bao và cũng là mức tăng trưởng lịch sử trong ngành viễn thông thế giới.
Nửa đầu năm 2017, do có thêm khoản thu nhập bất thường hơn 600 tỷ đồng từ lãi tỷ giá nên Viettel Global đạt 652 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nửa đầu năm 2018, lãi chênh lệch tỷ giá chỉ còn hơn 80 tỷ đồng. Để bù đắp lại, Viettel Global đã tiết giảm 250 tỷ đồng chi phí bán hàng và chi phí quản lý so với cùng kỳ.
Cổ phiếu của Viettel Global giao dịch trên thị trường Upcom kể từ 25/9/2018, trong 3 phiên đầu tiên, giá cổ phiếu luôn tăng kịch trần. Công ty hiện có vốn điều lệ 22.438 tỷ đồng và tập đoàn Viettel đang sở hữu 98,68% vốn.