Biên lợi nhuận của DN đang giảm mạnh

Biên lợi nhuận của DN đang giảm mạnh

(ĐTCK) Dù tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Vinamilk vẫn rất cao, nhưng B những sức ép đang dần lớn lên trong tăng trưởng doanh thu của đơn vị này.

Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2013 cho thấy, tình hình kinh doanh của nhiều DN tiếp tục gặp khó khăn, khi cạnh tranh cung cấp hàng hóa ra thị trường căng thẳng hơn so với giai đoạn trước, dẫn tới nhiều trường hợp, lợi nhuận của DN vẫn giảm ngay cả khi doanh thu tăng, vì yếu tố giá bán sụt giảm mạnh.

 

Biên lợi nhuận của DN đang giảm mạnh ảnh 1Nhiều DN có doanh thu tăng song lợi nhuận lại giảm

 

Từ câu chuyện của FECON, Sao Mai An Giang

CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON (mã FCN) chưa công bố BCTC hợp nhất quý III/2013, nhưng BCTC riêng công ty mẹ quý 3 đã vẽ lên bức tranh sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.

Trong cuộc trao đổi với NĐT tại CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS), ông Phạm Minh Cường, Giám đốc Tài chính FECON cho biết, do cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp cọc - vốn là mảng hoạt động quan trọng của FECON, nằm trong chuỗi giá trị thi công nền móng ngày càng lớn, nên hiệu quả kinh doanh của mảng này đã giảm khá mạnh.

Theo ông Cường, trước kia, hoạt động cung cấp cọc cho các công trình mà FECON thi công có tỷ suất sinh lời tới 26% doanh thu, nay giảm chỉ còn 16% doanh thu, bởi các đối tác khác mới vào thị trường đã lựa chọn cạnh tranh bằng giá - một cách cạnh tranh thường chỉ áp dụng trong lĩnh vực thương mại chứ ít khi trong lĩnh vực sản xuất - thi công.

Tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (ASM), quý III/2013, Công ty chỉ đạt 195,292 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm tới gần 40% so với doanh thu cùng kỳ năm 2012 là 323,599 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của ASM lại giảm tới gần 76,5%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của ASM cũng giảm tới gần 75% so với cùng kỳ.

Việc giảm lợi nhuận của ASM có yếu tố tác động lớn của tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu. Hai mảng kinh doanh chính của Công ty là bất động sản và thương mại đều bị sụt giảm tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu. Cụ thể, mảng thương mại, có tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu sụt giảm mạnh nhất từ mức 7,2% cho 9 tháng đầu năm 2012 về 2,6% cho cùng kỳ năm 2013. Mảng bất động sản có mức dao động thấp hơn, giảm tỷ trọng trên tương ứng từ mức 74% về 73,55%

 

Đến các DN khác

Tại CTCP Vinaconex 25 (mã VCC), quý III năm nay, doanh thu của Công ty tăng tới 24,53% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng lợi nhuận của Công ty lại giảm tương ứng tới 8,6%. Việc sụt giảm này có nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng tăng mạnh, đi kèm với tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu tăng (bao gồm mảng bất động sản và kinh doanh hàng hóa).

Tại CTCP Tập đoàn Minh Phú, BCTC hợp nhất cho thấy, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2013 tăng so với cùng kỳ là do xuất hiện doanh thu hợp nhất từ mảng thức ăn chăn nuôi của công ty con mới hợp nhất. Nếu loại trừ yếu tố này, doanh thu của Minh Phú thực chất đã giảm nhẹ. Không chỉ giảm về doanh thu, Công ty còn bị tăng mạnh tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu mảng bán cá nội địa cũng như mảng kinh doanh hàng hóa khác (từ mức 59,63% năm 2012 lên 83,89% năm nay). Đặc biệt, chiết khấu thương mại và hoa hồng bán hàng của Minh Phú 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.

Ngoài các DN kể trên, các DN ngành cao su tự nhiên hay vận tải biển cũng có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu sụt giảm mạnh, thậm chí là âm do chịu tác động tiêu cực từ diễn biến giảm giá chung trên toàn thế giới.

 

Hướng ra nào?

Ngay cả với đại gia Vinamilk - DN hàng đầu ngành sữa Việt Nam, dù tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vẫn rất cao, nhưng BCTC hợp nhất quý III/2013 cũng cho thấy những sức ép đang dần lớn lên trong tăng trưởng doanh thu của đơn vị này.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng chi phí bán hàng cùng khoảng thời gian trên cũng tăng mạnh từ tỷ lệ 8,4% lên tới 10,2% cho 3 quý đầu năm nay. Với diễn biến này, nếu không có sự đổi mới liên tục, Vinamilk có thể sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng thần kỳ về doanh thu, lợi nhuận như các năm vừa qua.

Đối với FECON, dù mảng cung cấp cọc bị cạnh tranh gay gắt, tỷ suất sinh lời mảng này sụt giảm mạnh, nhưng Ban lãnh đạo Công ty vẫn tự tin về kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2013 sẽ có mức thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) không thua kém nhiều so với năm trước, và sẽ vượt kế hoạch năm. Để làm được điều này, theo Giám đốc Tài chính Công ty, FECON đã phải chuyển hướng tăng tỷ trọng doanh thu vào các mảng hoạt động khác có hiệu quả sinh lời cao hơn như: cung cấp dịch vụ tư vấn, thi công…

Cách làm của Vinamilk, FECON dù đang hiệu quả, nhưng không phải DN nào cũng làm được như vậy. Các DN ngành cao su tự nhiên trong thời gian qua vẫn có lãi dù giá bán mủ cao su tự nhiên giảm, chủ yếu là do giảm chi phí nhân công khai thác (được hạch toán theo % doanh thu). Tuy nhiên, giảm đến bao nhiêu để công nhân tiếp tục còn làm việc cho DN, lại là bài toán làm đau đầu ban lãnh đạo các DN trong ngành nói chung.

>> Cổ phiếu DN săm lốp khó duy trì đột biến