Techcombank nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA và NIM cải thiện tích cực trong quý II/2024

Techcombank nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ CASA và NIM cải thiện tích cực trong quý II/2024

Biên lãi ròng của ngành ngân hàng tạo đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Biên lãi ròng (NIM) của hệ thống ngân hàng đã sụt giảm trong suốt hai năm qua và có dấu hiệu tạo đáy, dựa vào báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 được các ngân hàng công bố.

NIM quý II cải thiện nhẹ so với quý trước

Thống kê báo cáo của hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cho thấy, tổng thu nhập hoạt động trong quý II tăng gần 16% so với cùng kỳ, cải thiện tích cực so với mức tăng 7,6% trong quý I. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 19%, cao hơn gấp đôi mức tăng 8,1% trong quý I.

Động lực tăng trưởng thu nhập từ lãi của các ngân hàng chủ yếu đến từ việc tín dụng bắt đầu tăng tốc từ tháng 4 và đạt xấp xỉ 6% tính đến cuối tháng 6. Nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trong 6 tháng đầu năm như HDB, MSB, TCB…

Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cho biết, các ngân hàng tư nhân lớn hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng trưởng tín dụng cao hơn và NIM cải thiện. TCB, HDB, VPB… ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao hơn mức 7,7% của trung bình ngành trong 6 tháng đầu năm 2024, dẫn dắt bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, thương mại và sản xuất. NIM của các ngân hàng này đã tăng từ 30 - 60 điểm cơ bản, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) cao hơn mức trung bình ngành, đạt trung bình 2,2%.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng với quy mô tài sản nhỏ hơn, theo phân tích của ông Lê Hoài Ân, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, không có lợi thế trong việc thu hút nguồn vốn giá rẻ và tăng trưởng tín dụng thấp hơn, chỉ đạt 6,09%, thấp hơn mức trung bình 8% của toàn ngành. Tuy nhiên, đây là nhóm duy nhất có NIM phục hồi tích cực, từ 2,27% trong quý I/2024 lên 2,41% trong quý II/2024. Mức phục hồi này chủ yếu do chi phí vốn giảm mạnh từ 6,48% xuống 5,72%.

Mặc dù không có lợi thế về CASA, chi phí vốn của nhóm được cải thiện nhờ lãi suất huy động giảm sâu và việc tăng gần 140 lần các khoản nợ vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước so với quý trước, hưởng lợi từ lãi suất điều hành thấp.

Các ngân hàng thương mại tư nhân chuyên cho vay doanh nghiệp ghi nhận NIM cải thiện từ 4,01% trong quý I/2024 lên 4,06% trong quý II/2024. Nhóm này được hưởng lợi từ dư địa tăng trưởng tín dụng dồi dào kể từ năm 2023, giúp thu nhập lãi tăng và duy trì NIM ổn định. Về chi phí vốn, những ngân hàng phát triển hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp cũng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tốt hơn, giúp giảm chi phí huy động vốn.

Tất nhiên, bức tranh NIM của ngành ngân hàng không toàn gam màu sáng. Báo cáo tài chính của các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối đã cho thấy nỗ lực đẩy mạnh tín dụng nhưng NIM của nhóm này vẫn giảm từ 2,82% trong quý I xuống còn 2,78% trong quý II vừa qua. Dù sở hữu nguồn vốn giá rẻ và chiếm từ 50 - 60% lượng tiền gửi không kỳ hạn trong ngành, lãi suất cho vay thấp đã khiến NIM của nhóm này luôn ở mức trung bình ngành.

“Thực tế, tăng trưởng thu nhập lãi thuần của các ngân hàng quốc doanh đang chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng giảm mạnh của lãi suất đầu ra để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những quý gần đây”, ông Hưng nói.

Thậm chí, nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng tín dụng, phần lớn do sự phục hồi chậm của tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng trưởng trung bình từ 7 - 9% trong 6 tháng đầu năm, so với mức 10 - 12% trong giai đoạn tiêu dùng mạnh. Điều này dẫn đến NIM của nhóm giảm mạnh so với năm trước và đi ngang ở mức 4,31% trong quý II.

Dẫu vậy, ước tính từ 27 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy NIM trong quý I/2024 giảm xuống 3,4% (từ mức 3,73% cùng kỳ năm trước) và cải thiện nhẹ lên 3,41% trong quý II vừa rồi, mặc dù vẫn chưa về mức 3,65 - 3,75% như trong giai đoạn từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023.

Vẫn bấp bênh

Tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm 2024, nhưng đến cuối tháng 7 lại giảm về 5,66% và đến giữa tháng 8 về mức 6,11%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2024 vẫn là thách thức lớn với ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay. Áp lực vừa đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vừa cân đối chi phí đầu vào để giảm lãi suất đang đè nặng lên các ngân hàng.

Số hoá là chiến lược được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng sức cạnh tranh và tiết giảm chi phí hoạt động. Chẳng hạn, tại VIB, theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho việc chuyển đổi số trong ngân hàng, bao gồm cả hệ thống đầu nguồn như Core banking & Core Card, hệ thống thẩm định và phê duyệt tín dụng, hệ thống dữ liệu và tính toán. Các hệ thống này đều được đầu tư công nghệ mới nhất nhằm đáp ứng lâu dài cho chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ với số lượng khách hàng hiện đã lên tới 5,4 triệu và ước tính tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm.

“VIB cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc chuyển đổi hạ tầng điện toán đám mây để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo nền tảng cho phân tích dữ liệu và ứng dụng các mô hình AI. Tổng đầu tư cho hạ tầng công nghệ tại VIB giai đoạn 2020 - 2025 ước tính trên 200 triệu USD. Ngoài ra, VIB cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và tới nay đã làm sạch trên 1 triệu dữ liệu khách hàng”, ông Vũ nói.

Tuy vậy, triển khai số hóa không phải là điều dễ dàng với mọi ngân hàng. Chủ tịch một ngân hàng lớn trải lòng: “Áp dụng số hoá mạnh mẽ sẽ buộc phải cho một lượng không nhỏ nhân viên nghỉ việc và đây là quyết định vô cùng khó khăn của người lãnh đạo. Cùng với đó, chi phí số hoá cho một ngân hàng lớn là rất lớn kèm theo nhiều vấn đề song hành nên dù có muốn nhanh cũng không thể nhanh được”.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2024 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nhiều tổ chức tín dụng đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên, tính chung cả năm 2024 vẫn dự kiến giảm nhẹ lãi suất huy động so với cuối năm ngoái. Các tổ chức tín dụng cũng dự kiến giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Theo kết quả điều tra kỳ này, trong 2 tháng đầu quý II/2024, các tổ chức tín dụng cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ nhưng với xu hướng thu hẹp dần. Trong đó, các tổ chức tín dụng cho biết đã điều chỉnh giảm lãi suất biên hơn so với phí dịch vụ. Giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ được các tổ chức tín dụng dự kiến giữ ổn định trong quý III và cả năm 2024

“Dự kiến các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh huy động vốn trong nền kinh tế tăng chậm, chỉ tăng 0,37% đến tháng 5/2024 so với cuối năm trước khiến mục tiêu lợi nhuận cao sẽ không dễ dàng”, ông Ân nói.

Tin bài liên quan