Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1% và tiếp tục nới biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3% từ ngày 19/8, tỷ giá đã tăng lên mức kịch trần khi giá mua vào bán ra 22.545 - 22.547 VND/USD vào cuối tuần.
Cùng với đó, một số dự báo tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá thêm 2% so với USD trong năm 2015 và thêm 2% trong năm 2016 đã khiến cho nhiều DN có hoạt động kinh doanh liên quan đến ngoại tệ “đứng ngồi không yên”.
Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch một doanh nghiệp nhựa tại khu vực phía Nam cho biết, DN của ông phải nhập khẩu gần 90% nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Công ty, nhưng khiến chi phí đầu vào tăng thêm khoảng 5%.
“Có một yếu tố tích cực trong bối cảnh hiện nay là giá dầu giảm, nên giá nhập khẩu nguyên liệu theo USD cũng giảm, cân bằng được với khoản chênh lệch 5% của tỷ giá. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, giá dầu quay đầu tăng trở lại, tỷ giá tiếp tục tăng thì rõ ràng DN sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề”, vị chủ tịch trên nói và cho biết thêm, DN mình đã được các ngân hàng chào sử dụng sản phẩm phái sinh đề phòng rủi ro tỷ giá, nhưng DN chưa sử dụng do e ngại chi phí cao.
Vài năm trở lại đây, thị trường ngoại hối khá ổn định, với cam kết của NHNN dao động trong biên độ 2%, vì vậy, các DN chưa quan tâm thích đáng đến việc phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. Khi thị trường ngoại hối biến động, các DN mới đổ xô mua vào ngoại tệ, khiến áp lực tỷ giá càng lớn.
“Đợt thay đổi tỷ giá lần này có điểm sáng là các ngân hàng có đủ ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cuối tuần qua, rất nhiều DN đặc biệt là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn mua vào ngoại tệ. Nếu tình hình này tiếp diễn trong tuần này, thị trường ngoại hối càng khó để ổn định trở lại”, Giám đốc kinh doanh tiền một ngân hàng nhận định.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nêu quan điểm, các DN không nên chạy theo và mua ngoại tệ bằng mọi giá. Thông thường, sau một đợt biến động, thị trường ngoại hối sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Một ví dụ là đồng Nhân dân tệ sau một tuần bị phá giá mạnh hiện đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại… Thực tế, đợt biến động này cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường ngoại hối quốc tế sẽ tác động tới Việt Nam.
“Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, FED sẽ tăng lãi suất, khi đó đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ Việt Nam, đòi hỏi NHNN phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. Do đó, các DN nên giữ vững tâm lý và chủ động các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá, để tránh những biến động không lường trước của thị trường trong tương lai, thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN”, ông Hải khuyến nghị.
Cụ thể, DN có thể lựa chọn một số sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá như: Thứ nhất, giao dịch kỳ hạn (forward). Ví dụ, DN mua 1 triệu USD kỳ hạn 1 tháng với tỷ giá giữa VND/USD chốt tại ngày ký kết hợp đồng giao dịch với ngân hàng là 22.500. Một tháng sau, khi DN cần USD để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu, bất kể tỷ giá VND/USD khi ấy có tăng lên hay giảm đi, DN vẫn sẽ nhận 1 triệu USD với mức tỷ giá đã thỏa thuận với ngân hàng. Thứ hai, hoán đổi ngoại tệ (FX Swap).
Cụ thể, DN xuất nhập khẩu có trong tài khoản 1 triệu USD, nhưng do có nhu cầu về tiền đồng để trả chi phí hoạt động trong khi tháng tới DN cần 1 triệu USD để thanh toán cho phần nhập khẩu.
Do vậy, DN có thể bán 1 triệu USD ngày hôm nay cho ngân hàng để lấy tiền đồng, nhưng cũng mua ngay USD với kỳ hạn 1 tháng. Thứ ba, sản phẩm quyền chọn (Option) mua hoặc bán ngoại tệ nhưng chưa dành cho VND mà chỉ có USD với EUR hay AUD…
Lãnh đạo của HSBC cho biết, việc sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá chưa phổ biến đối với các DN Việt Nam, do DN chưa có hiểu biết đầy đủ về các sản phẩm phái sinh cũng như có tâm lý cho rằng tỷ giá sẽ được điều hành ổn định trong mức dao động 2% hàng năm.
Trong khi đó, nếu mua sản phẩm phái sinh kỳ hạn, trung bình, mỗi năm DN sẽ mất chi phí tương đương 4% nên DN sẽ đặt câu hỏi tại sao phải mua kỳ hạn. Nhưng với tình hình mới hiện nay, chắc chắn các DN sẽ phải có những thay đổi về nhận thức phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, các DN Việt Nam chủ yếu sử dụng mua bán ngoại tệ giao ngay để thực hiện hoạt động giao dịch bằng ngoại tệ của mình. Trong khi đó, các ngân hàng đều triển khai và chào khách hàng những sản phẩm phái sinh để phòng ngừa các rủi ro biến động tỷ giá.
“Chúng tôi khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm phái sinh này”, ông Hà nói.